Anh Doanh nói, trời càng rét thì hái nấm bào ngư bán càng chạy bởi nhu cầu ăn lẩu nấm tăng cao...
Trồng nấm bào ngư để bảo vệ môi trường
Hơn chục năm về trước, khi chưa trồng nấm bào ngư, anh Doanh là chủ một cửa hàng sửa chữa xe máy lớn ở xã Bình Định. Cửa hàng của anh lúc nào cũng đông khách, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Nhưng sau hơn chục năm gắn bó, anh quyết định rẽ ngang sang một nghề hoàn toàn mới, chẳng liên quan gì đến công việc cũ của anh.
Thấy anh bỏ nghề sửa chữa xe máy sang trồng nấm, mọi người trong nhà ai cũng phản đối, anh em ai cũng tiếc cho anh.
Mỗi năm, anh Doanh xuất bán khoảng 40 tấn nấm các loại, nấm bào ngư (trên 30 tấn) và các loại nấm có giá trị khác như nấm linh chi, mộc nhĩ... mang về lợi nhuận trên 300 triệu đồng.
Tay nghề cao, công việc làm ăn thuận lợi lại bỏ đi làm nông dân, chẳng khác nào tự đi làm khổ mình.
Chia sẻ về quyết định này, anh Doanh cho biết, do chưa có biện pháp xử lý rơm rạ nên bà con chỉ biết đốt rơm rạ sau mỗi vụ gặt để thuận tiện cho vụ trồng cấy tiếp theo. Việc đốt rơm rạ làm khói bay mù mịt khiến không khí nơi anh sống trở nên ngột ngạt, gây ô nhiễm môi trường...
Cũng từ đó, anh dành thời gian rảnh đi tìm hiểu cách xử lý rơm rạ không gây ô nhiễm môi trường để về áp dụng. Trong đó, anh thấy tận dụng nguồn rơm rạ để trồng nấm rất hay, vừa không gây ô nhiễm môi trường lại cho thu nhập tương đối cao. Ngay sau đó, trong đầu anh xuất hiện ý tưởng là bỏ nghề sửa chữa xe máy đi trồng nấm. Dù bị rất nhiều người phản đối nhưng anh vẫn quyết tâm làm.
"Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là việc mình làm sắp tới rất tuyệt vời, vừa góp phần bảo vệ môi trường và lại có thu nhập thì tội gì không làm" - anh Doanh cười nói.
Sống khỏe nhờ trồng nấm sạch
Ban đầu, anh Doanh chỉ trồng với quy mô nhỏ để lấy kinh nghiệm. Trong quá trình trồng nấm anh không ngừng đi thăm quan, học hỏi các kỹ thuật mới để về áp dụng cho trại nấm của mình. Sau một thời gian không ngừng phấn đấu, và trải qua không ít thất bại, anh Doanh đã làm chủ được kỹ thuật, có kinh nghiệm để trồng cấy nấm với quy mô lớn.
Sau hơn 7 năm gắn bó với nghề trồng nấm, đến nay mô hình trồng nấm hữu cơ của anh Doanh đã rộng tới hơn 2.000m2. Hiện mỗi năm, cơ sở anh Doanh sản xuất trên 30.000 bịch phôi, chủ yếu là nấm bào ngư (khoảng 20.000 bịch), còn lại là các loại nấm khác như linh chi, mộc nhĩ, nấm rơm...
Mỗi năm, anh Doanh xuất bán khoảng 40 tấn nấm các loại, nấm bào ngư (trên 30 tấn) và các loại nấm có giá trị khác như nấm linh chi, mộc nhĩ... mang về lợi nhuận trên 300 triệu đồng.
Cũng từ khi anh Doanh trồng nấm, vào sau vụ gặt, bà con trong xã không còn thấy khói bay mù mịt, chỉ thấy anh Doanh hàng ngày cặm cụi đi thu gom rơm rạ về để trồng nấm. Môi trường trong sạch, không khí trong lành, không còn khói bay mù mịt khiến bà con rất phấn khởi.
Anh Doanh chia sẻ, tuy trồng rất nhiều loại nấm nhưng thu nhập chính của gia đình anh vẫn là nấm bào ngư, vì loại nấm này trồng được quanh năm, không giống các loại nấm khác trồng theo vụ nên sản lượng thấp.
"Gia đình tôi luôn duy trì từ 5.000 - 7.000 bịch nấm bào ngư, vào chính vụ có thể lên đến tới 15.000 bịch nấm. Trung bình, mỗi tháng gia đình tôi xuất bán trên 3 tấn nấm bào ngư, với giá ổn định 25.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí tôi lãi 25 triệu đồng" - anh Doanh tiết lộ.
Theo anh Doanh, nguyên liệu trồng nấm của anh chủ yếu là rơm rạ, mùn cưa, cám ngô, cám gạo... được phối trộn theo tỷ lệ nhất định, sau đó được mang đi thanh trùng trước khi gieo cấy giống. Chính vì vậy mà sản phẩm mà gia đình anh làm ra có chất lượng cao, ngon ngọt hơn, có bao nhiêu thương lái cũng đến mua hết.
Niềm vui của anh Doanh không những góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo ra những sản phẩm sạch cho bữa cơm người việt. Ngoài ra, anh Doanh còn là tấm gương làm kinh tế giỏi của xã Bình Định, mô hình trồng nấm sạch của anh đang tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.