dd/mm/yyyy

Ở vùng đất gò đồi này, nông dân trồng thanh trà, bưởi da xanh, cam sai chi chít quả, có bao nhiêu cũng bán hết

Nhờ diện tích rộng, đất đai màu mỡ, xã Dương Hòa có thế mạnh về chăn nuôi, trồng trọt.

Phát huy lợi thế này, TX. Hương Thủy đã có những định hướng về cây trồng, vật nuôi, tiêu thụ nông sản… nhằm giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Ở vùng đất gò đồi này, nông dân trồng thanh trà, bưởi da xanh, cam sai chi chít quả, có bao nhiêu cũng bán  - Ảnh 1.

Dự kiến vào tháng 8 tới, thanh trà Dương Hòa sẽ được cấp “Chỉ dẫn địa lý”

Xã Dương Hòa có diện tích tự nhiên 26.160,48ha, trong đó đất nông nghiệp 23.341,98 (chiếm tỷ lệ 89,23%). Thông qua chương trình phát triển kinh tế vùng gò đồi, chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực, Dương Hòa đã đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế như thanh trà, bưởi da xanh, cam...

Đến nay, diện tích thanh trà trên địa bàn xã trên 75ha, bưởi da xanh trên 10ha, cam khoảng 4ha, trong đó, tổng diện tích cho quả 35ha (năng suất bình quân đạt 34,32 tấn/ha). Riêng về thanh trà, theo tính toán, giá trị kinh tế loại cây đặc sản này đạt bình quân 350 -400 triệu/ha (cây từ 7 năm tuổi trở lên), có hộ đạt 400 - 500 triệu đồng/ha.

Dự kiến vào tháng 8 tới, thanh trà Dương Hòa sẽ được cấp “Chỉ dẫn địa lý”. Điều này vừa giúp khẳng định chất lượng, nâng tầm thương hiệu, ổn định đầu ra, vừa trở thành động lực lớn để hơn 300 hộ dân trồng thanh trà Dương Hòa tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng cho loại quả đặc sản trên vùng đất này.

Về chăn nuôi, hiện tổng đàn gia súc ở xã Dương Hòa gần 1 ngàn con. Từ năm 2022, với việc áp dụng mô hình phát triển đàn bò chất lượng cao sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ), đến nay, mô hình này không chỉ góp phần hạn chế gây ô nhiễm môi trường mà còn tăng sản lượng, chất lượng thịt, qua đó, tạo được thương hiệu, có sức lan tỏa đến thị trường trong và ngoài tỉnh, giúp tăng thu nhập lên 5-10% cho các hộ nuôi.

Ông Trương Nhật Quang - Trưởng phòng Kinh tế TX. Hương Thủy thông tin, để khai thác hiệu quả hơn nữa những thế mạnh về trồng trọt, sau khi phối hợp với các đơn vị chuyên môn xây dựng nên quy trình phòng trừ tổng hợp bệnh xì mủ trên cây thanh trà nói riêng, cây ăn quả có múi nói chung vào năm 2022, trong năm 2023, Hương Thủy sẽ tiếp tục đầu tư hỗ trợ để mở rộng thêm 8-10ha vùng nguyên liệu trồng thanh trà, 8ha bưởi da xanh... trên địa bàn xã Dương Hòa.

Còn ở lĩnh vực chăn nuôi, hiện, lãnh đạo thị xã cũng đã định hướng quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung tại địa phương này, trong đó, phát triển chăn nuôi gia súc (nhất là chăn nuôi bò), gia cầm theo hướng trang trại công nghiệp, đồng thời mở rộng quy mô chăn nuôi hữu cơ gắn với nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh bền vững, tạo thành vòng tròn khép kín.

Với việc xác định hướng đi bền vững cho nền nông nghiệp thị xã nói chung, Dương Hòa nói riêng là tạo đột phá trong tổ chức sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng… hiện, Hương Thủy đã và đang triển khai đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong chăn nuôi, trồng trọt; phát triển mạnh các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp liên kết với HTX và hộ sản xuất trên địa bàn thị xã nói chung, Dương Hòa nói riêng hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ...

“Không chỉ giúp cảnh báo sớm sự xuất hiện của thiên tai để từ đó có biện pháp ứng phó kịp thời, việc áp dụng công nghệ 4.0 vào chăn nuôi, trồng trọt còn góp phần giảm công lao động và tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, giúp người dân kết nối với người tiêu dùng, qua đó, phát triển mua bán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Quang chia sẻ.


Bài, ảnh: THANH ĐOÀN