dd/mm/yyyy

Ồ ạt trồng mít Thái - “hiện tượng” tại ĐBSCL

Từ vài ngàn hiện đã tăng lên hàng chục ngàn héc-ta, cho thấy trồng mít Thái đang là cây trồng “hot” ở ĐBSCL. Tuy giá có lúc xuống thấp nhưng với nhiều nhà vườn, chỉ 1 lứa trái đã thu hồi vốn… nên họ vẫn quyết tâm theo đuổi loại cây trồng này.

Nhà nhà trồng mít Thái

Nhiều năm chịu cảnh làm ruộng được mùa mất giá, ông Lương Văn Tám, ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, quyết định lên liếp 2 công ruộng trồng thử 200 cây mít Thái. Sau 14 tháng, cây mít bắt đầu cho trái. Ông Tám cho biết, mít Thái cho trái quanh năm, thu hoạch rộ vào khoảng tháng 5 và 11. Năm đầu tiên cây cho trái, ông Tám đã lời trên 30 triệu đồng từ vườn mít. Từ đó, ông Tám quyết định mở rộng 6 công đất nữa để trồng mít Thái. Vậy là đã 8 năm, ông Tám gắn bó với loại cây trồng đang là “hiện tượng” tại ĐBSCL. Giá có lúc lên xuống nhưng mỗi cây mít giúp ông có thu nhập khoảng 1 triệu đồng/năm.

Hiện vườn mít của ông Tám cứ cách nhau 5 ngày thu hoạch 1 lần được vài trăm ký đến khoảng 1 tấn trái. “Cây mít khi còn nhỏ nên để khoảng 2 - 3 trái/cây, cứ thế số lượng trái tăng lên khi tuổi đời cây càng lớn, như vậy cây không bị mất sức. Trồng mít Thái rất khỏe vì chi phí đầu tư thấp lại ít công chăm sóc”- ông Tám nói.

Ông Nguyễn Văn Hộ, ở xã Phú An, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, kể mấy năm trước ông trồng nhãn, khi thu hoạch trái, tìm nhân công rất khó. Vì vậy 2 năm nay, ông chuyển sang trồng 400 gốc mít Thái, đang cho trái năm thứ 2 đã thu lời cả trăm triệu đồng. Ông Hộ cho biết, mít trồng 18 tháng cho trái, bình quân 1 cây cho 2 trái, mỗi trái nặng từ 10-15kg, hiện giá mít Thái bán trên thị trường khoảng 20.000 đồng/kg.

Gần đó, ông Nguyễn Văn Chót, cũng quyết định chuyển 2.000m2 dất trồng chanh sang trồng mít Thái. “Nhiều năm, cây chanh lên xuống giá thua lỗ quá, nên năm 2017 tôi mua giống mít về trồng xen trong vườn chanh. Năm nay, cây cho trái lứa đầu, tôi bán được 20 triệu đồng. Năm tới, tôi sẽ đốn hết chanh để cho mít phát triển”- ông Chót nói.

Từng thất bại với cây cam rồi chuyển sang trồng mít Thái, ông Hà Văn Lâm, ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, kể trước đây ông trồng cam nhưng giá giảm lại bán không được nên chuyển sang trồng mít. Vài năm trước, mít rớt giá, ông lại đốn chuyển sang trồng cam. “Trồng cam lần sau vẫn thua lỗ vì giá xuống quá thấp, nên 2 năm trước tôi quyết định đốn cam trồng mít hết diện tích 8 công. Đến nay, mít đã cho trái chiếng và bắt đầu thu hoạch. Đến giờ so với cây cam thì cây mít Thái dễ trồng, ít tốn phân thuốc, nhẹ công chăm sóc, nếu giá ổn định từ 25.000-30.000 đồng/kg, mỗi cây để 2 trái thì vụ đầu đã lấy được vốn” - ông Lâm nói.

Việc ồ ạt trồng mít Thái đang mang lại kinh tế cao cho nhiều nhà vườn tại ĐBSCL, tuy nhiên cũng đang phát sinh nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt là dịch bệnh. Mỗi ngày mua hơn 2 tấn mít bán lại, ông Nguyễn Minh Luân, thương lái thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, cho biết: “Gần đây mít hay bệnh, đặc biệt là xơ đen nên cánh thương lái chúng tôi khi thu mua phải kiểm tra kỹ, nếu không dễ bị trả hàng, thua lỗ”.

Ông Trần Hồng Đức, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, cho biết toàn huyện có gần 5.000ha trồng mít Thái, trong đó đã đăng ký mã số vùng trồng mít lên 2.000ha. Năm 2020, huyện sẽ đăng ký hết diện tích trồng huyện đều có mã số vùng trồng mít Thái.

“Theo đề án chuyển đổi cây trồng từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030, toàn huyện sẽ hình thành vùng chuyên canh các nông sản chủ lực, hướng mạnh vào nhu cầu của các đô thị và xuất khẩu, cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Huyện tập trung xác định 4-5 sản phẩm chủ lực gồm: cây có múi (cam sành, bưởi, chanh không hạt), mít, xoài cát, rau màu, gắn với hệ thống phân phối và tiêu thụ sản phẩm tiện lợi cho người dân. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ cao, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngành nông nghiệp huyện đang khuyến cáo nông dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và quy hoạch vùng trồng mít chất lượng cao để đảm bảo thị trường trong nước và xuất khẩu”- ông Đức nói.

Cẩn thận khi tăng diện tích

Thời gian qua, mít Thái là cây trồng có diện tích tăng vào loại nhanh nhất tại ĐBSCL. Từ vài ngàn héc-ta đến nay diện tích đã trên 50.000ha, tập trung tại các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre… Theo tính toán của các nhà vườn, với lợi thế thời gian cho trái ngắn, nhẹ công chăm sóc, chỉ cần giá mít duy trì ổn định trên 20.000 đồng/kg là người trồng mít đã có lời. Bình quân một trái mít nặng từ 10-15kg, với giá bán này nông dân thu lợi từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/trái, có lúc giá cao lên trên 70.000 đồng/kg, mỗi trái mít giá bán cho thương lái lên tới 1 triệu đồng và chỉ cần vụ trái đầu tiên thì nông dân đã có lời.

Tuy nhiên, việc phát triển “nóng” của cây mít Thái đang đặt ra nhiều vấn đề như phát sinh dịch bệnh, khả năng cung vượt cầu… Đặc biệt, ở nhiều tỉnh, thành, cây mít chưa được xác định là cây ăn trái chủ lực nên việc đầu tư, hỗ trợ cho phát triển sản xuất mít chưa có. Phần lớn nông dân vẫn sản xuất tự phát, chưa có quy trình sản xuất cụ thể cho các loại hình trồng xen, trồng thuần và chuyển đổi từ đất lúa.

Ồ ạt trồng mít Thái - “hiện tượng” tại ĐBSCL - Ảnh 1.

Ông Hà Văn Lâm đang chăm sóc vườn mít Thái chuẩn bị thu hoạch.

Việc chuyển đổi sang trồng mít Thái diễn ra rải rác ở nhiều địa phương, lại không theo vùng trồng tập trung. Diện tích lớn sẽ dẫn đến nhiều rủi ro trong mùa lũ, ngập úng và thiệt hại do hệ thống đê bao chưa hoàn thiện. Tình hình sâu bệnh xuất hiện gây hại vẫn còn diễn biến phức tạp trong khi nguồn cung cấp cây giống sạch bệnh, quản lý chất lượng nguồn gốc cây giống còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, gần đây mít đang mắc phải bệnh xơ đen trong trái rất phổ biến, làm ảnh hưởng năng suất, đầu ra khó khăn và đặc biệt không đảm bảo chất lượng trái xuất khẩu.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, khuyến cáo mít Thái hiện đang phát triển mạnh tại ĐBSCL vì đây là loại trái cây thuận lợi xuất khẩu. Tuy nhiên, các tổ chức doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật địa phương phổ biến cho nông dân những yếu tố bất lợi. Trước hết cây mít sống ở vùng có độ cao từ 400-1.200m trong khi ĐBSCL không có lợi thế này. Vì vậy, cần thiết kế lại vườn cho phù hợp với sự tăng trưởng của cây, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Thứ hai, đây là một loại cây trồng có rất nhiều các loại dịch hại. Vì là một loại cây trồng mới nên các cơ quan nghiên cứu chưa nghiên cứu một cách đầy đủ, hoàn thiện quy trình phòng trừ dịch hại. Do đó, bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi nắm bắt những thông tin về dịch hại để phòng trừ. Vấn đề thứ ba là cần quan tâm đến vấn đề thị trường. Hiện nay thị trường xuất khẩu cây mít chủ yếu là sang Trung Quốc, trong khi nước này đã có 180.000ha mít. Nếu phát triển thêm nữa thì phải xem xét quốc gia nhập khẩu có thể tiếp nhận thêm không. Điều này, các nhà nghiên cứu, cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu và cung cấp thông tin, càng nhiều càng tốt, để nông dân có thêm tư liệu để tính toán đầu tư phù hợp.

TS Nguyễn Bá Phú, Bộ môn Khoa học Cây trồng, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết để cây mít Thái phát triển ổn định và giảm chi phí đầu tư thấp nhất nhưng mang lại lợi nhuận cao, đòi hỏi nông dân cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm đạt năng suất tối đa. Riêng bệnh xơ đen thường phát tán qua không khí, nước và đất… chính vì vậy nhà vườn nên cho ra trái tránh những lúc thời tiết bất lợi, bao trái, sử dụng phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học…

Bài, ảnh: Bình Nguyên