Ông Phan Văn Thà là Nông dân xuất sắc Việt Nam năm 2019. Khởi nghiệp từ cây cao su, xen canh mì rồi mạnh dạn triển khai cánh đồng lớn chuyên canh trồng cây ăn trái ở tuổi 65, ông Thà là một trong những lão nông có uy tín trên đất biên giới huyện Tân Biên.
Ông Thà kể, sự sụt giảm hiệu quả kinh tế của cây mì, cây cao su mấy năm gần đây cùng chính sách chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp là động lực để ông mạnh dạn chuyển đổi mô hình.
Tận dụng lợi thế đất nhà và nguồn nước không bao giờ cạn từ suối Cần Đăng từ Campuchia đổ về, ông Phan Văn Thà mạnh dạn chuyển đổi phân nửa đất cao su sang trồng cây ăn trái. Trong đó có 20ha bưởi da xanh và 60ha mít Thái siêu sớm đang được ông làm chứng nhận VietGAP, xây dựng mã vùng trồng để hướng tới cánh đồng mẫu lớn đạt chuẩn.
Ông Thà đánh giá Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn, đầy tiềm năng vì nhiều loại trái cây ở phương Bắc giá lạnh không trồng được, nhất là với mít Thái siêu sớm. Vườn mít Thái siêu sớm của ông trồng từ năm 2018 nhưng ông vẫn tiếp tục dưỡng cây đến tròn 2 năm tuổi mới cho đậu trái sau đó thu hoạch đồng loạt.
Kinh phí ông Phan Văn Thà đầu tư cho cả cánh đồng trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP là không hề nhỏ. Ông Thà nhẩm tính khoản vốn đầu tư bỏ ra khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Bù lại, đây là mô hình hơn hẳn cách làm truyền thống, nhỏ lẻ.
“Đến giờ, tôi vẫn đang lao động không ngừng để xây dựng cánh đồng lớn đạt chuẩn, nắm bắt cơ hội tiến ra thị trường thế giới”, ông Thà chia sẻ.
Đánh giá về nông nghiệp trong tỉnh, ông Thà nhìn nhận chưa bao giờ Tây Ninh quan tâm quyết liệt đến tam nông như hiện nay. Tây Ninh cũng đang hướng nông dân làm ăn lớn, vươn ra thị trường thế giới.
Theo ông Thà, muốn tham gia chuỗi nông sản tầm thế giới thì nông dân, doanh nghiệp Việt Nam phải làm ra những nông sản đạt về sản lượng, chất lượng, kích cỡ, mẫu mã... Lợi ích của người làm cánh đồng lớn là rất lớn nhưng rủi ro cũng không nhỏ. Người làm cánh đồng lớn phải có một nghị lực rất lớn, cùng với năng lực và điều kiện nhất định.
“Nếu tài chính không đủ, kinh nghiệm thiếu, kiến thức không được bổ túc thường xuyên, không có các nhà khoa học hỗ trợ và sự quản lý tốt của nhà nước thì lợi ích lớn này gặp rất nhiều rủi ro” - ông Thà giải thích.
Gắn với nghiệp làm nông dân gần trọn cuộc đời nhưng ông Thà vẫn khiêm tốn bảo: “Cánh đồng lớn chuyên canh cây ăn trái đang gầy dựng cũng chỉ là bước khởi đầu trong rất nhiều bước khởi đầu mà tôi đã và đang theo đuổi”.
Theo ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh, các cây trồng truyền thống và cách làm truyền thống hiện không còn hiệu quả cao. Muốn làm ăn lớn phải có sản lượng lớn. Sự xuất hiện của những nông dân “lớn” hoặc các nông hộ nhỏ liên kết lại với nhau đang là xu hướng chung để đưa nông sản Việt Nam vươn ra thị trường thế giới...