Cho đàn bò 3B nghe nhạc để thư giãn, xử lý phân bò bằng chế phẩm vi sinh là cách làm của anh Nguyễn Quốc Tuấn, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) đang triển khai khi tham gia vào dự án của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.
Tham gia dự án, anh Tuấn được cán bộ khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc hướng dẫn kỹ thuật vỗ béo bò 3B, cách phối trộn thức ăn, xử lý mùi hôi của phân bò bằng chế phẩm vi sinh, nhờ đó, mỗi năm trang trại xuất bán hàng trăm con bò.
Để chủ động nguồn thức ăn cho bò, nhất là với giống bò có nhu cầu tiêu thụ lượng thức ăn lớn như giống bò 3B, ngoài việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp của bà con trong và ngoài xã, anh Tuấn đã thuê đất, trồng 3ha cỏ, đồng thời xây dựng 4 kho ủ cỏ với với sức chứa 50 tấn/kho.
Đồng thời, anh áp dụng phương pháp nuôi bò trên đệm lót sinh học. Nhờ vậy, không chỉ tiết kiệm được công sức lao động trong việc cọ rửa mà còn xử lý tốt mùi hôi trong chăn nuôi, hạn chế bệnh tật ở bò.
Từ 25 con bò ban đầu, đến nay trang trại của anh Tuấn đã mở rộng quy mô chăn nuôi lên 200 con với tổng vốn đầu tư đến nay đã lên tới hơn 4 tỷ đồng.
"Ngoài nuôi bò 3B sinh sản, trang trại cũng thu mua bò của người dân ở các tỉnh về để nuôi vỗ béo, chỉ sau vài tháng là có thể xuất bán, lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với nuôi bò sinh sản", anh Tuấn chia sẻ.
"Sử dụng đệm lót sinh học trong nuôi vỗ béo bò 3B giúp giảm được mùi hôi thối và khí độc trong chuồng nuôi, giảm ruồi muỗi, các bệnh truyền nhiễm, tiết kiệm nước, công lao động, tăng chất lượng và sản lượng đàn…", anh Tuấn chia sẻ.
Anh Tuấn cho biết thêm, đệm lót sinh học sau quá trình sử dụng trở thành một nguồn phân bón rất tốt cho cây trồng, các hộ nuôi có thể tận dụng để trồng cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn cho bò, nếu số lượng nhiều có thể bán với giá 400.000 đồng/khối, giúp người chăn nuôi có thêm nguồn thu nhập.
Theo Trung tâm KNQG, trong 3 năm triển khai từ 2020 - 2022 mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học tạo phân hữu cơ phục vụ trồng trọt được triển khai ở Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Nội đã lựa chọn được 12 mô hình với 24 điểm trình diễn, quy mô 1.860 bò được vỗ béo trên nền đệm lót sinh học.
Khả năng tăng trọng cao, xử lý được hơn 5 tấn chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt, kết nối hỗ trợ người chăn nuôi ký kết được 7 hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm trong mô hình.
Kết quả theo dõi cho thấy khả năng tăng trọng của đàn bò tương đối cao, bình quân đạt 886,2 g/con/ngày đối với bò hướng thịt và đạt 784,8 g/con/ngày đối với bò loại thải.
Về sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi bò vỗ béo, tại các hộ tham gia dự án cho thấy nhờ dùng chế phẩm sinh học nên trong chăn nuôi bò vỗ béo đã hạn chế rất nhiều chất thải độc hại ra môi trường, hạn chế mùi hôi thối, ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ sinh vật có hại, bảo vệ sức khỏe đàn bò; tiết kiệm khoảng 80% nước trong chăn nuôi do không phải sử dụng nước rửa chuồng hay tắm cho bò hàng ngày; tiết kiệm 50% nhân công do không cần dọn, tắm cho đàn bò.
Ngoài ra, hầu hết các hộ chăn nuôi còn trồng trọt (trồng cam, bưởi, mía, cỏ...), sau khi sử dụng đệm lót cho bò, các hộ lại tiếp tục ủ đệm lót đó để làm phân bón hữu cơ, bón cho cây trồng của gia đình, tạo ra vòng tuần hoàn khép kín, từ đó tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong chăn nuôi và trồng trọt.