Những năm gần đây, nhiều loại cây trồng chủ lực tại Gia Lai như cà phê, hồ tiêu, cao su... thường xuyên gặp phải cảnh "được mùa mất giá, được giá mất mùa", chưa kể dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến bà con thu nhập rất bấp bênh. Bên cạnh việc duy trì vườn cây, nhiều hộ nông dân đã kết hợp nuôi thêm các loại gia súc như trâu, bò, dê, lợn…
Bỏ tiêu, chuyển nuôi bò
Khác với kiểu nuôi bò cỏ thả đàn vốn ít, lãi ít như trước đây thì hiện nay, người chăn nuôi tại Gia Lai đã lựa chọn nuôi trâu bò theo hình thức vỗ béo, với các giống bò siêu thịt, bò lai giống ngoại như bò BBB, Angus, Brahman…
"Mô hình nuôi bò vỗ béo tại địa phương đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Bà còn có thể tận dụng được cánh đồng cỏ và vỏ chanh dây của Công ty DOVECO Gia Lai để làm thức ăn cho bò".
Ông Nguyễn Mạnh Điệp -
Chủ tịch UBND xã Đăk Jrăng
Ông Phan Thanh Sơn (trú tại xã Đăk Jrăng, huyện Mang Yang, Gia Lai) cho biết, những năm trước kinh tế gia đình ông phụ thuộc chủ yếu vào cây hồ tiêu. Nhưng rồi vườn tiêu bị bệnh chết hàng loạt, cộng với giá tiêu liên tục rớt thảm nên ông buộc phải chuyển hướng sản xuất.
Sau khi tính toán, ông nhận thấy mô hình nuôi vỗ béo bò giống ngoại mặc dù bỏ vốn cao nhưng lại ít rủi ro, giá bò hơi ổn định, tiêu thụ tốt. Vì vậy đến đầu năm 2019, ông Sơn quyết định cải tạo diện tích đất tiêu chết chuyển sang trồng cỏ, xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò.
"Tôi đã đầu tư gần 1 tỷ đồng làm chuồng trại và mua 40 con bò lai Sind. Bên cạnh đó, tôi mua thêm các giống bò lai giống nhập ngoại như Angus, Brahman về nuôi. Đây là những giống bò có vóc dáng cao to, dễ nuôi, tăng trọng nhanh, khi xuất chuồng có thể đạt 400-500kg/con, nói vui là bò khổng lồ đấy" - ông Sơn kể.
Gia đình ông Sơn nuôi bò theo kiểu "gối đầu", hết lứa nọ lại đến lứa kia. Cách đây mấy ngày, nhận thấy giá bò hơi tăng cao, thêm vào đó Gia Lai bắt đầu bước vào mùa khô, nguồn thức ăn tươi giảm nên gia đình ông Sơn đã xuất bán gần 100 con bò, phần lớn là bò thịt và bò giống. Ông Sơn cho biết, thời gian vỗ béo bò từ 3 đến 4 tháng, tính tiền lãi trung bình mỗi tháng là 1 triệu đồng/con.
"Hiện mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ bán bò khoảng 600-700 triệu đồng" - ông Sơn chia sẻ.
Để người dân chăn nuôi các loại gia súc theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh môi trường, chính quyền xã Đăk Jrăng đã thành lập nông hội chăn nuôi, mở các lớp tập huấn về kinh nghiệm chăn nuôi và tìm kiếm đầu ra, đầu vào ổn định...
Theo ghi nhận của phóng viên, giá bò hơi tại một số địa phương từ sau Tết Nguyên đán đến nay vẫn duy trì mức cao, dao động từ 90.000 - 100.000 đồng/kg tùy loại. Với mức giá này, nhiều nông dân nuôi bò ở Gia Lai có mức thu nhập khá cao, nhất là những mô hình nuôi bò vỗ béo từ các giống bò khổng lồ như bò 3B, bò Augus, hoặc lai Sind.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Lê Xuân Diệp (54 tuổi, trú tại huyện Mang Yang) cho hay: "Hiện gia đình tôi nuôi 50 con bò giống 3B và bò lai Sind. Xu hướng nuôi bò vỗ béo tại địa phương đang được người dân quan tâm, tuy nhiên vốn đầu tư ban đầu khá lớn nên không phải ai cũng nuôi được. Khi bắt đầu nuôi bò vỗ béo, gia đình tôi đã phải vay mượn số vốn 500 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 15 con bò giống. Sau thời gian vỗ béo bò, bán ra, có lãi, gia đình mới mở rộng chuồng trại".
Bỏ vốn lớn, thu lãi khá
Theo chia sẻ của ông Diệp, nuôi bò thịt vỗ béo nhanh được xuất bán hay không là tùy vào con giống ban đầu. Nếu chọn được con giống khỏe mạnh thì thời gian nuôi vỗ béo ngắn.
"Vừa rồi tôi mới bỏ ra hơn 260 triệu đồng mua 10 con bò lai về nuôi vỗ béo. Sau khoảng 3-4 tháng chăm sóc kỹ, bò sẽ đạt trọng lượng có thể xuất bán ra thị trường. Nói chung so với trồng cà phê và hồ tiêu thì nuôi bò vỗ béo hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn, thu nhập mấy trăm triệu/năm là chuyện bình thường" - ông Diệp tính toán.
Theo người dân, nuôi bò vỗ béo để bán thịt và bán giống cũng có những mặt ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Nuôi bò vỗ béo có hiệu quả kinh tế cao hơn bò thả rông, tiết kiệm thời gian và chi phí thuê công chăn thả. Tuy nhiên, nhược điểm của nuôi bò vỗ béo chính là việc đầu tư tiền giống ban đầu lớn hơn. Giá bò gầy thường từ 20-30 triệu đồng/con, đặc biệt là bò giống có con lên đến 60 triệu đồng.
Bên cạnh đó, bà con cũng thường gặp khó khăn khi lựa chọn bò giống mua về nuôi. Ông Diệp cho biết, một số nông dân mua bò về vỗ béo nhưng nuôi mãi không lớn mà còn gầy hơn, dễ nhiễm bệnh và ốm yếu.
"Trước khi mua bò về vỗ béo, chúng ta nên quan sát kỹ lưỡng giống bò mình định mua. Nên cho bò ăn thử ít cỏ, và quan sát kỹ con bò vận động thế nào. Khi mua về, phải tiến hành tiêm phòng các loại bệnh thường gặp ở bò… Trước đây, lúc mới nuôi tôi cũng khá lúng túng khi chọn mua bò giống, dần dần chịu khó quan sát, học hỏi dần nên không còn gặp tình trạng mua phải giống bò xấu nữa" - ông Điệp phân tích.