Bò "lực sĩ" nuôi bằng công nghệ cao
2 năm trước, tại xã An Phú (Củ Chi) hình thành một trại nuôi bò "lực sĩ" khá quy củ với công nghệ cao, giống đặc chủng siêu thịt…
Chủ nhân của trại là ông Ba Nhoai - nguyên Giám đốc trại bò sữa TP.HCM. Tháng trước, sau khi bán xong đàn bò siêu thịt hơn 100 con, ông Ba Nhoai vừa nhập chuồng 60 con bò siêu thịt với giá 30 triệu đồng/con (200kg/con).
"Trên thị trường, giá thịt bò đang tăng cao. Giá bò hơi tại chuồng thương lái đang thu mua là 80.000 đồng/kg. Tôi khá yên tâm với đầu ra cho đàn bò siêu thịt lúc này" - ông Ba Nhoai thổ lộ.
Trước đây, anh Trần Huy Tiến (phường Tân Thiện, Đồng Xoài, Bình Phước) làm nghề ươm và sản xuất cây cao su giống cung ứng thị trường. Do giá mủ xuống thấp nên việc sản xuất cây giống gặp nhiều khó khăn về đầu ra.
Vì vậy, anh Tiến đầu tư chuồng trại chăn nuôi bò sinh sản với 60 con bò cái, gồm các giống: Lai Sind, Charolais, Brahman, Angus...
Hiện, bình quân mỗi tháng sau khi trừ chi phí anh thu lời không dưới 50 triệu đồng. Anh Tiến cho biết, nhu cầu mua bò giống và bò thịt của khách hàng trong tỉnh đang tăng khá cao, đây là cơ hội cho người chăn nuôi trong vùng.
Nâng cao chất lượng giống
5 bước ứng dụng tiến bộ KHCN trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại Bình Phước:
1. Xây dựng mô hình nuôi bò Brahman tập trung quy mô 60 con, Nhà nước hỗ trợ 50% giá trị con giống.
2. Xây dựng mô hình nuôi bò lai Sind phân tán, quy mô 100 con, Nhà nước hỗ trợ 50%.
3. Xây dựng mô hình bò hướng thịt quy mô 500 con, Nhà nước hỗ trợ thụ tinh nhân tạo.
4. Mô hình trồng cỏ nuôi bò với diện tích 7,5ha.
5. Tập huấn, đào tạo 8 kỹ thuật viên tham gia dự án và chuyển giao 9 quy trình kỹ thuật về chăn nuôi bò giống, bò thịt, thụ tinh nhân tạo và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc.
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, hiện thành phố có khoảng 60.000 con bò thịt. Hầu hết, số bò này đang tập trung tại huyện Củ Chi. Bà Nguyễn Thị Liễu Kiều - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết, chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại đang là định hướng phát triển lâu dài của thành phố. Các nông hộ đang sử dụng các dòng tinh bò thịt cao sản, như: BBB, Red Angus, Droughtmaster, Brahman để phối giống.
Theo đó, Chương trình giống bò thịt tại thành phố gồm giai đoạn 1 (2016 - 2020) là chọn tạo đàn bò hướng thịt nền phù hợp để tạo ra con lai theo hướng thịt. Năm 2020, tổng đàn bò thịt đạt 30.000 con, đàn bò nền đạt 30% tổng đàn bò thịt.
Hàng năm cung ứng 10.000 tấn thịt bò hơi và 7.000 con bò cái giống, trọng lượng trưởng thành đạt 300 - 350kg, tỷ lệ thịt xẻ 50 - 55%.
Giai đoạn 2 (2021 - 2030) là đàn bò thịt cao sản đạt 40.000 con, trong đó hình thành con giống bò chuyên thịt. Hàng năm cung cấp cho thị trường 15.000 tấn thịt bò hơi. Đến năm 2030, trọng lượng trưởng thành 350 - 400kg, tỷ lệ thịt xẻ 55 - 60%. Hình thành chuỗi liên kết sản xuất và xây dựng thương hiệu giống bò thịt.
Trong khi đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước cũng đang triển khai kế hoạch nâng cấp đàn bò giống trên địa bàn. Dự án ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại Bình Phước được triển khai thực hiện từ tháng 7/2019 đến tháng 5/2022. Tổng kinh phí dự án 8 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Trung tâm KHCN tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh này đang triển khai dự án ứng dụng tiến bộ KHCN trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Ông Hiếu tính toán, từ 60 bò cái Brahman ban đầu, giá trị 33,75 triệu đồng/con.
Sau khi kết thúc dự án, giá trị tăng lên của mỗi con là 43,9 triệu đồng. 81 bê sinh ra từ 60 bò cái ban đầu, khi kết thúc dự án bê khoảng 12 tháng tuổi, trọng lượng khoảng 200kg, giá trị bê đạt 29,8 triệu đồng/con.
Như vậy, tổng giá trị tăng lên từ 60 bò cái Brahman ban đầu và 81 bê sinh ra là hơn 5 tỷ đồng. Theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp, tỷ lệ thịt xẻ của bò lai Sind thấp chỉ khoảng 45%. Trong khi đó, tỷ lệ này khá cao ở các giống bò nhập nội, đặc biệt là bò Úc tỷ lệ thịt xẻ lên đến 50-55%.