Vịt cánh trắng lên "nhà sàn" bằng cầu thang
Đến thăm mô hình nuôi vịt thương phẩm của ông Từ Đức Huyên xóm 1 xã Nghi Hoa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô, cách chăn nuôi khoa học của ông. Hơn 2 ngàn con vịt rau khi tắm mát nối đuôi nhau bước lên nhà sàn với diện tích 90m2 để nghỉ ngơi sau những đợt đi xuống tìm mồi.
Sáng kiến nuôi vịt của gia đình ông Huyên bắt đầu cuối năm 2011. Trước đây, vùng đất ao hồ xóm Vận Tải này bỏ hoang, nên gia đình ông đã mạnh dạn nhận 2ha, đầu tư gần 1 trăm triệu đồng để cải tạo ao hồ. Trên mặt ao ông xây dựng nhà sàn và mua 500 con vịt giống với tại Sơn Tây Hà Nội về nuôi còn dưới ao ông thả hơn 2 ngàn con cá giống như cá chép, cá mè, cá trôi, cá rô phi vằn.
Ông Huyên cho biết: Giống vịt có khuynh hướng tích mỡ, làm giảm chất lượng thịt. Vì vậy, nuôi vịt trên nhà sàn cao là phương pháp tốt nhất vì vịt được hoạt động cơ bắp nhiều hơn, nên chất lượng thịt thơm, chắc, và tỷ lệ thịt đùi và ức cao nên được thị trường rất ưa chuộng.
Do phải chạy bộ và leo cầu thang nên vịt săn chắc và thơm thịt
Trong quá trình thực hiện mô hình, ông đã theo dõi, học hỏi kinh nghiệm qua nhiều kênh thông tin như xem ti vi, mạng máy tính, đọc báo và nghiên cứu quy trình kỹ thuật nuôi đảm bảo theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Chuồng trại phải bố trí thoáng mát, yên tĩnh, bảo đảm tránh mưa và đảm bảo vệ sinh. Vì vậy, ông đã bố trí làm 90m2 nhà sàn trên mặt ao để vịt nghỉ ngơi sau khi ăn để đảm bảo sức khỏe, vịt lớn nhanh, tránh những thiệt hại do dịch bệnh hay thời tiết gây ra, tận dụng phân vịt thải ra làm thức ăn cho cá.
Khẩu phần ăn của vịt, kết hợp giữa thức ăn cám công nghiệp đủ tiêu chuẩn với thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp như rau muống, chuối cây băm nhỏ trộn lẫn ngô, cám, nên đàn vịt lớn nhanh. Lượng thức ăn khoảng 180-200g/con/ngày. Từ lúc thả giống đến khi xuất chuồng trong vòng 2 tháng. Trung bình mỗi con có trọng lượng từ 1,8 - 2 kg/con. Với giá bán tại chuồng 40 ngàn đồng/kg.
Sau khi trừ chi phí ban đầu, mỗi năm gia đình ông thu lãi 120 triệu đồng từ mô hình nuôi vịt thương phẩm. Còn đối với cá mỗi năm ông xuất bán 2 vụ cá. Mỗi vụ hơn 1, 5 tấn. Với giá bán trung bình từ 25- 35 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ ông thu về hơn 30 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm ông thu về gần 200 triệu đồng từ mô hình nuôi vịt thương phẩm và cá. So với làm nông nghiệp thì đây là một con số không hề nhỏ với người dân nông thôn.
Ông Huyên trút thức ăn cho vịt dưới sân
Ông Đặng Thọ Thiệu PCT UBND xã Nghi Hoa cho biết: Sự thành công của mô hình chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học đã thuyết phục được bà con nông dân thay đổi thói quen chăn nuôi truyền thống, từ đó mở ra hướng chăn nuôi mới giúp nông dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Như vậy, so với cách nuôi truyền thống thì phương thức nuôi vịt tập trung tại nhà sàn đã giúp ông bớt khổ cực nhiều so với nuôi vịt thả đồng trước đây. Khi nuôi 2.000 con vịt chạy đồng thì phải cần ít nhất là 3 người đi theo bầy vịt để giám sát. Mặt khác, sự thất thoát, tỷ lệ hao hụt có thể lên tới 30% cho đến lúc bán. Nhưng nuôi vịt tập trung thì chỉ cần 1 người chăm sóc mà vẫn bảo đảm được đầu con, dễ kiểm soát bệnh tật, tỷ lệ nuôi sống đến lúc bán đạt trên 95%, đàn vịt đồng đều, dễ bán, hiệu quả kinh tế cao.
Hiện, Ông Huyên đang có kế hoạch nâng số lượng vịt lên 3 ngàn con để đáp ứng nhu cầu thị trường. Mấy năm nay, nhờ vịt nuôi trên nhà sàn theo hướng an toàn sinh học nên chất lượng thịt vịt của ông được các nhà hàng khách sạn trên địa bàn đánh giá là thơm ngon hơn hắn vịt nuôi truyền thống, do đó các buôn lái đến mua tận nhà, nên đầu ra rất ổn định. Đây là một mô hình mới, mang lại giá trị kinh tế cao, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, cần được nhân ra diện rộng.