Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới của tỉnh Sơn La đã huy động được toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc. Từ vùng thấp đến vùng cao, bà con người Kinh hay người Thái, người Mông, người Xinh Mun… cùng đồng lòng tham gia. Cuộc vận động chính trị sâu rộng này đã mang lại những thay đổi rõ rệt.
Cách đây hai thập niên, cái đói, cái nghèo còn hiển hiện trên nhiều nếp nhà ở những bản cao; đường xá đi lại vô cùng vất vả, cơ sở hạ tầng thiếu thốn đủ đường. Nhưng từ khi thực hiện chủ trương xây dựng Nông thôn mới, ở những nơi vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh Sơn La cũng đã có sự đổi thay rõ rệt.
Huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Sơn La là tỉnh miền núi, nằm ở khu vực Tây Bắc của Tổ quốc. Toàn tỉnh có 204 xã, phường, thị trấn; trong đó có 188 xã nông thôn với 12 dân tộc cùng chung sống, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xuất phát điểm của tỉnh Sơn La rất thấp. Năm 2011, tại thời điểm đánh giá theo 19 tiêu chí NTM, đa số các xã đều chưa đạt và đạt thấp, đặc biệt là các tiêu chí như: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, lao động có việc làm, môi trường và an toàn thực phẩm, hộ nghèo, thu nhập...
Tỉnh Sơn La khi đó xác định, muốn chương trình nông thôn mới thành công thì phải có sự đồng thuận, góp tâm, góp trí, góp lực của toàn dân. Để người dân hiểu mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới và tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã chỉ đạo các sở, các huyện, các đoàn thể thành lập các tổ làm công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình; tăng cường vai trò của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể, lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị giao ban từ tỉnh cho đến bản. Hình thức, nội dung tuyên truyền được đa dạng hoá, sát thực tiễn đối với các xã chưa đạt chuẩn và các xã đạt chuẩn nông thôn mới để nhân dân tiếp tục tham gia và giữ vững các tiêu chí. Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được khai thác và phát huy hiệu quả.
Những năm qua, hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp cùng sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, diện mạo các xã trong tỉnh đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực…
Tính đến tháng 12/2024, toàn tỉnh Sơn La có 74/188 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 80 bản, tiểu khu được công nhận đạt chuẩn bản nông thôn mới, 23 bản nông thôn mới kiểu mẫu.
Đối với bản nông thôn mới kiểu mẫu, chỉ xét công nhận sau khi được công nhận bản nông thôn mới và hoàn thành các chỉ tiêu của một trong 5 quy định về: Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; du lịch nông thôn; văn hóa nông thôn; cảnh quan và chất lượng môi trường; chuyển đổi số nông thôn. Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã có 80 bản, tiểu khu nông thôn mới; trong đó có 23 bản, tiểu khu được công nhận bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 84 bản nông thôn mới; trong đó, có 42 bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Xây dựng nông thôn mới là chương trình lâu dài
Sau hơn chục năm xây dựng nông thôn mới, một điều dễ nhận thấy là cơ sở hạ tầng từ nông thôn đến thành thị của tỉnh Sơn La đã thay đổi rõ rệt. Hầu hết các bản có đường bê tông. Đường giao thông nông thôn được cải thiện là động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Thu nhập của bà con không ngừng được nâng lên, đời sống được đảm bảo. Giáo dục và y tế được cải thiện rõ rệt.
Theo ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, với nhiệm vụ là xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình nông thôn mới của các ngành, các địa phương, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La đã tích cực đẩy mạnh công tác tham mưu. Bởi xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước với mục tiêu toàn diện, tổng thể. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Sơn La đã ban hành các nghị quyết, Đề án, Chương trình hành động; giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành. Công tác tổ chức bộ máy thực hiện chương trình được thành lập theo quy định và thường xuyên được kiện toàn. Các cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời và có tính thực tiễn cao, tạo điều kiện cho các địa phương khai thác các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với phát triển sản xuất…
Những nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã tạo cho tỉnh Sơn La có diện mạo mới. Hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên.
Chương trình đã thu về những thành quả lớn hơn đó là: Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, thu hút bà con tham gia xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi động khắp cả tỉnh. Hơn nữa, đã hình thành Bộ máy chỉ đạo và tham mưu giúp việc đồng bộ từ tỉnh Sơn La tới cơ sở, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, là nòng cốt tổ chức thực hiện Chương trình với hiệu quả cao, chất lượng. Đội ngũ cán bộ vận hành Chương trình, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở đã có tiến bộ rõ rệt, nhận thức đầy đủ hơn và chỉ đạo chương trình có hiệu quả hơn, nhất là trong việc xây dựng dự án, vận động quần chúng và tổ chức, thực hiện dự án, thực hành dân chủ ở nông thôn.
Qua chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Sơn La cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu. Tỉnh Sơn La xác định, chương trình này phải gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sự thành công nhanh chóng của chương trình xây dựng nông thôn mới là ngay từ lúc triển khai, tỉnh chỉ đạo các ban ngành đoàn thể phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng phải là giải pháp quan trọng hàng đầu. Làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình.
Cũng theo ông Huệ, những kết quả xây dựng nông thôn mới mà Sơn La đạt được là có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền có vai trò quan trọng. Thực tiễn cho thấy nơi nào các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự quan tâm vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì trong cùng hoàn cảnh còn nhiều khó khăn vẫn tạo ra sự chuyển biến rõ nét. Tỉnh cũng đã lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng; việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ không gượng ép quá sức dân.