Thực tế, theo chuyên gia của Bộ Công Thương, chính sách của họ trước nay vẫn thế, chỉ là từ nay trở đi, họ sẽ siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch, nếu chúng ta không đổi mới chính mình thì sẽ thất bại.
Động thái nhỏ, nỗi lo lớn
Thời gian gần đây, những ngư dân hành nghề câu mực ở tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam đứng ngồi không yên vì hàng ngàn tấn mực xà không xuất được do thị trường Trung Quốc ngừng nhập hàng, nhiều tàu cá phải nằm bờ.
Một động thái “không ăn hàng” của thương lái Trung Quốc đã thực sự khiến nhiều ngư dân choáng váng bởi ngoài tiêu thụ nội địa thì Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ mực chủ yếu của ngư dân miền Trung từ trước đến nay và cũng là thị trường duy nhất nhập khẩu sản phẩm này của Việt Nam.
Chính vì vậy, khi Trung Quốc siết chặt chính sách nhập khẩu, nói không với xuất khẩu tiểu ngạch, tất cả sản phẩm phải được xuất khẩu chính ngạch thì ngay lập tức hàng hóa ứ đọng vì các đầu mối xuất khẩu của Việt Nam chưa kịp đáp ứng yêu cầu.
Ngay sau sự việc xảy ra, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở NNPTNT tỉnh làm văn bản báo cáo Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương hỗ trợ ngư dân tiêu thụ mực, đồng thời kêu gọi một số doanh nghiệp (DN) tham gia thu mua sản phẩm hỗ trợ ngư dân. Thống kê cho thấy, ngư dân địa phương đang tồn đọng tới 700 tấn mực khô.
Thực tế, việc Trung Quốc siết chặt thị trường nhập khẩu, nói không với xuất khẩu tiểu ngạch đã được Bộ NNPTNT đã được cảnh báo từ trước. Có thể thấy rất rõ đối với sản phẩm dưa hấu ở nhiều tỉnh miền Trung khi xuất khẩu sang Trung Quốc phải dán tem truy xuất nguồn gốc. Những quy định đó, phía Hải quan Trung Quốc đã đưa ra từ tháng 5/2018. Nhưng nhiều địa phương, DN vẫn chưa thực sự mặn mà, đẩy mạnh xúc tiến việc xây dựng mã số vùng trồng hay đăng ký mã truy xuất nguồn gốc.
Trong một cuộc trao đổi với NTNN, ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cũng thừa nhận, bên cạnh một số địa phương làm rất tốt việc đăng ký mã số vùng trồng – một trong những bước quan trọng để truy xuất nguồn gốc thì còn nhiều địa phương, lãnh đạo, ngành chức năng chưa thực sự quan tâm. “Thậm chí, vẫn có địa phương hỏi phương thức đăng ký mã số vùng trồng, dù thông tin đã công khai trên mạng internet từ rất lâu” - ông Hòa nêu một thực tế.
Cũng theo ông Hòa, yêu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc là một giải pháp nhằm đảm bảo những nông sản đó có CO (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa) của Việt Nam. “Một bài học còn nhãn tiền đối với 2 DN xuất khẩu gạo ở Tiền Giang và Long An bị phía Trung Quốc yêu cầu xem xét dừng xuất khẩu chính ngạch, bởi thông tin họ nắm được năng lực xuất khẩu của DN chỉ 100.000 tấn/năm, nhưng sản lượng xuất khẩu lại lên đến 130.000 tấn, số còn lại lấy ở đâu? Nếu chúng ta không nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, thực hiện đúng quy định, chính chúng ta sẽ tự hại mình” - ông Hòa khẳng định.
Dè chừng tham vọng của “láng giềng”
Một vấn đề đáng lo ngại trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc – vốn là thị trường lớn nhất của Việt Nam không chỉ nằm ở cái tem truy xuất nguồn gốc tuy mỏng manh nhưng vô cùng quyền lực mà còn ở việc Trung Quốc đang tham vọng mở rộng sản xuất nhiều mặt hàng nông sản như lúa, mít, thanh long… Với công nghệ sản xuất hiện đại, năng suất cao, chất lượng tốt, những dòng sản phẩm có điểm tương đồng với nông sản Việt chắc chắn sẽ tạo áp lực cạnh tranh lớn.
Đang ở thời kỳ hoàng kim, tự nhiên, thời điểm này, giá mít Thái ở nhiều tỉnh vùng ĐBSCL rớt giá. Theo đó, giá mít Thái chỉ ở mức 15.000 đồng/kg loại I, 12.000 đồng/kg loại 2; loại 3 chỉ còn 8.000 đồng/kg; giảm tới 35.000 đồng/kg so với cách đây 2 tháng. Nguyên nhân giá mít xuống thấp là do thương lái Trung Quốc không thu mua.
Việc sản xuất chỉ dựa vào sức nóng của một thị trường ngay lập tức đã bị đáp trả khi giá mít Thái đã trở về đúng thực tế, trong khi diện tích loại cây này đã “bùng nổ’ ở khu vực ĐBSCL với con số thống kê lên đến 40.000ha; mít Thái tràn xuống ruộng, lan ra khắp các vườn, thậm chí ở một số huyện miền núi của tỉnh Nghệ An cũng đã xuất hiện các vườn trồng mít Thái với quy mô lớn.
Đơn cử như tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long), đến nay, diện tích mít Thái của địa phương đã lên đến 257ha do người dân thấy giá mít Thái quá cao nên ồ ạt chuyển đổi. Tương tự như vậy, khi sức mua của thị trường Trung Quốc biến động, ngay lập tức, giá sầu riêng ở nhiều địa phương giảm mạnh, Hồi đầu vụ, giá sầu riêng ở Bến Tre giảm xuống còn trên dưới 50.000 đồng/kg, giá sầu riêng tại Đồng Nai giảm chỉ còn 53.000 đồng/kg và đến nay chỉ còn 43.000 đồng/kg.
Đáng lo ngại hơn là, Trung Quốc đang có tham vọng mở rộng diện tích mít lên 180.000ha, tương tự như việc mở rộng diện tích thanh long, dưa hấu đang được nước này ráo riết thực hiện. Nước này cũng đang có dự định trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn. Khi đó, miếng bánh thị phần của nông sản Việt sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn, rất có thể sẽ phải nếm “quả đắng” nếu không chủ động đổi mới sản xuất ngay từ bây giờ.
Có thể nhìn thấy rõ ở mặt hàng gạo, khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,39 triệu tấn và 1,46 tỷ USD, giảm 2,8% về khối lượng và giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, Trung Quốc đã không còn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Rõ ràng, tham vọng trở thành nước xuất khẩu lớn của Trung Quốc khiến chúng ta phải dè chừng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh: Chính sách không đổi mà ta phải thay đổi
Trước việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2019, nhiều ý kiến cho rằng do Trung Quốc thay đổi chính sách.
Thực chất, không phải vậy, trước nay họ vẫn quy định chỉ cho xuất khẩu chính ngạch những mặt hàng nông sản đã được cấp chứng thư. Nhưng tại sao thời gian qua xuất khẩu tiểu ngạch vẫn còn đất sống trong một thời gian dài là do quy định về trao đổi hàng hóa của cư dân hai bên biên giới.
Chính quy định này đã khiến nhiều thương lái tập trung nhiều người cùng thu mua một mặt hàng theo đúng hạn mức của cư dân biên giới, rồi gom lại mang đi tiêu thụ sâu trong nội địa.
Đây chính là lý do khiến Hải quan Trung Quốc siết chặt việc xuất khẩu tiểu ngạch, đưa việc trao đổi hàng hóa của cư dân hai bên biên giới trở về đúng nghĩa của nó, không lợi dụng để đưa hàng hóa đi khắp Trung Quốc bằng nhiều con đường. Chính vì vậy, để đáp ứng các yêu cầu của thị trường thì bản thân các doanh nghiệp và người dân phải tự đổi mới, thay đổi phương thức sản xuất.
Bà Lê Hoàng Oanh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương): Đừng coi Trung Quốc là thị trường “dễ tính”
Thị trường Trung Quốc tăng cường quản lý hoạt động trao đổi cư dân biên giới, không cho phép các mặt hàng nông sản không thuộc danh sách các mặt hàng nông sản đã được Trung Quốc mở cửa thị trường nhập khẩu chính thức nhập khẩu vào nước này theo hình thức trao đổi cư dân biên giới tại các chợ, đường mòn lối mở.
Bên cạnh đó, Hải quan Trung Quốc cũng thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc đối với nông sản nhập khẩu, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi hình thức giao dịch và phương thức tiếp cận thị trường Trung Quốc, tập trung giao dịch theo hình thức thương mại chính quy, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đặc biệt, cần thay đổi tư duy tiếp cận, không nên coi Trung Quốc là thị trường dễ tính từ đó chú trọng nâng cao chất lượng.