Vì thế, không khó để hình dung niềm vui cũng như sự háo hức mong chờ của hàng ngàn nông dân 2 huyện biên giới khi kênh thủy lợi hoàn thành cuối năm 2022.
Khổ sở vì bao năm dùng "nước trời"
Từ năm 1983, người dân Tây Ninh vui mừng khi công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng đưa vào vận hành; cung cấp nước tưới và nước sinh hoạt cho không chi cho tỉnh Tây Ninh mà còn cho cả Long An và TP.HCM.
Thế nhưng, do địa hình, nước từ lòng hồ Dầu Tiếng lại không thể đưa về tưới tắm cho các cánh đồng bên kia sông Vàm Cỏ Đông. Hàng chục năm qua, nông dân ở 2 huyện biên giới là Bến Cầu và Châu Thành khao khát có một công trình thủy lợi, để giảm bớt những nhọc nhằn vì thiếu nước tưới.
"Công trình dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2022. Đây là công trình trọng điểm hứa hẹn sự thay đổi mang tính đột phá cho nông nghiệp tỉnh".
Ông Nguyễn Đình Xuân -
Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh
Ông Nguyễn Văn Hạnh - nông dân ở xã Ninh Điền (huyện Châu Thành) cho biết, điều cần thiết nhất cho sản xuất nơi đây là nước tưới. Thế nhưng, bao năm nay, nguồn nước tại xã Ninh Điền phụ thuộc 100% vào nguồn nước thiên nhiên. Một số nông dân tận dụng nguồn nước từ các sông suối ở gần.
Nhưng với những vùng trồng ở trên cao, không có mương máng thủy lợi, nông dân phải bơm nước từ giếng khoan để tưới cây. Đây cũng chỉ là giải pháp chữa cháy tạm thời, không hề mang tính ổn định dài lâu. "Người dân ở Ninh Điền khao khát có hệ thống kênh thủy lợi từ lâu lắm rồi" - ông Hạnh nói.
Ông Lê Tấn Thành (ở xã Long Phước, huyện Bến Cầu) kể, gia đình có 1,5ha đất đất nông nghiệp. Hết trồng lúa, ông lại chuyển vụ trồng hoa màu. Bao năm qua, ông phải dùng nước tưới từ giếng đóng chứ không có nước từ kênh mương. "Khi nghe nói có nguồn nước kênh thủy lợi từ hồ Dầu Tiếng đưa về, tôi rất mong chờ tới ngày có đầy đủ nước để trồng trọt" - ông Thành kể.
Cuối tháng 4/2018, tại ấp Trường, xã Hảo Đước (huyện Châu Thành), UBND tỉnh Tây Ninh khởi công xây dựng công trình tưới tiêu khu vực phía tây sông Vàm Cỏ Đông. Dự án tưới tiêu khu vực phía tây sông Vàm Cỏ Đông đi qua địa bàn 2 huyện Châu Thành và Bến Cầu, với tổng vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng. Phần chính của dự án đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông nằm trên địa bàn xã Hảo Đước, huyện Châu Thành. Có thể nói, đây là công trình thủy lợi hoành tráng nhất trên đất Tây Ninh kể từ sau hồ Dầu Tiếng.
Thỏa niềm ước mong
Bà Nguyễn Thị Tựa - nông dân ở xã Long Khánh (huyện Bến Cầu) cho biết, Bến Cầu lâu nay chưa có kênh. Nước tưới chỉ chờ mùa mưa. "Không có mưa thì dùng nước giếng, nhiều khi không đủ. Nay kênh về thì vui lắm, ai cũng đồng tình" - bà Tựa háo hức kể.
Ông Trần Văn Bao ở xã Long Khánh (huyện Bến Cầu) thì bảo, đời ông cha của ông chưa từng thấy công trình nào quy mô như thế này. Khi nước về đầy đủ và người dân hoàn toàn chủ động, việc sản xuất ở Bến Cầu sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. "Chúng tôi sẽ có trách nhiệm bảo quản cùng với nhà nước để công trình được bền vững và lâu dài" - ông Bao nói.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Chủ tịch UBND xã Ninh Điền (huyện Châu Thành) cho biết, các xã nông thôn vùng biên giới sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Nếu không có kênh thủy lợi, nông dân vất vả đã ngược xuôi vì phải đào giếng, hoặc phải phụ thuộc vào thời tiết. Năng suất cây trồng không cao. Dự án kênh vượt sông Vàm Cỏ Đông sẽ là động lực lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp. "Đây là cơ hội cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia tăng vòng quay của đất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao" - ông Phúc tin tưởng.
Theo Sở NNPTNT Tây Ninh, dự án thủy lợi vượt sông Vàm Cỏ Đông sẽ giúp huyện Châu Thành, Bến Cầu phát triển kinh tế biên mậu. Dự án này còn giúp phát triển đô thị theo định hướng phát triển đô thị Mộc Bài trong thời gian tới.