dd/mm/yyyy

Ninh Thuận giúp ngư dân làm giàu từ kinh tế biển

Tại diễn đàn “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu cá đánh bắt xa bờ” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận tổ chức tại TP.Phan Rang – Tháp Chàm mới đây, đa số các đại biển đều tán thành nhân rộng các mô hình khai thác thủy sản có hiệu quả đến các chủ tàu và ngư dân.

Ngư dân Ninh Thuận bội thu nhờ ứng dụng máy móc kỹ thuật phục vụ khai thác thủy sản.

Nhiều ngư dân thu nhập tiền tỉ

Chia sẻ tại Diễn đàn, anh Nguyễn Toàn (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) cho biết: Năm 1999 sau khi tích góp ít vốn, gia đình đã đầu tư mua được con tàu với công suất 110cv. Tuy nhiên, việc khai thác gặp nhiều khó khăn do thiết bị thô sơ, lạc hậu. Khi đêm tối, việc định hướng đi biển bằng những ngôi sao trên trời nên ngư trường đánh bắt chỉ gần bờ.

“Tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển trong lĩnh vực thủy sản. Các ngành chức năng, các địa phương tích cực hỗ trợ ngư dân đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại đánh bắt xa bờ. Nhờ đó, đến nay, đa số các tàu làm nghề vây rút chì, lưới rê mặt tầng đã được lắp đặt máy dò ngang, các thiết bị hàng hải hiện đại, làm tăng hiệu quả khai thác lên 1,5 - 2 lần so với hình thức khai thác truyền thống trước đây”.
Ông Nguyễn Khắc Lâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận 

Khắc phục bất cập trên, anh đã đầu tư mua các loại máy tầm ngư, máy định vị, máy thu lưới. Đặc biệt, năm 2011 anh được Trung tâm khuyến nông – khuyến ngư tỉnh tập huấn ứng dụng máy dò ngang trong khai thác thủy sản. Sau khi lĩnh hội kỹ thuật tiên tiến, anh được TTKNQG hỗ trợ chiếc máy dò ngang.

“Sau khi đưa thiết bị vào hoạt động năng suất tăng trên 160%, doanh thu 1,5 tỉ đồng, trừ chi phí lãi 1,2 tỉ đồng”. Nhờ làm ăn có hiệu quả, anh tiếp tục “tậu” thêm 2 con tàu nữa, công suất từ 370 – trên 500cv, trung bình mỗi năm anh có doanh thu 10 tỉ đồng. Riêng năm 2017, mang lại doanh thu 15 tỉ đồng và tạo việc làm ổn định cho trên 50 lao động”, anh Toàn cho hay.

Tương tự, anh Trần Ngọc Sơn (thôn Khánh Hội, xã Tri Hải, Ninh Hải) hào hứng kể: “Tôi quản lý 4 chiếc tàu, với tổng công suất trên 1.285cv, mỗi năm thu về trên 2 tỉ đồng. Có được thành công trên, nhờ sự hỗ trợ đắc lực của TTKNQG phối hợp với khuyến nông - khuyến ngư tỉnh lắp đặt cho chiếc máy dò ngang”.

Để ngư dân yên tâm vươn khơi

Chủ tàu Nguyễn Ngọc Nhất (xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam) cho rằng, việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào khai thác trong thời điểm này là rất cần thiết. Theo anh, khi con tàu được trang bị đầy đủ thì chủ tàu, cùng với thuyền viên sẽ yên tâm vươn khơi, bám biển. Các thiết bị hiện đại sẽ phát hiện đàn cá nhanh hơn, các lao động đi biển cũng phần nào tăng được thu nhập.

Các ngư dân Ninh Thuận đang chia sẻ kỹ thuật  trong khai thác thủy sản.

Hiện trên tàu của anh đã vận dụng công nghệ bảo quản hầm PU thay cho hầm xốp truyền thống. Với công nghệ mới này, cá tươi ngon do thời gian bảo quản lâu, từ 1 – 2 tháng, gấp 2 lần so với trước đây.

Ông Nguyễn Tin – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Ninh Thuận cho hay, trên địa bàn tỉnh, 100% ngư dân sử dụng máy kéo lưới thay cho sức người. Ưu điểm phương pháp này giảm ½ công lao động, tiết kiệm được thời gian. Bên cạnh đó, 100% ngư dân đã lắp đặt thiết bị vệ tinh, 60% lắp đặt ra đa, rất nhiều tàu đã đưa máy dò ngang vào sản xuất có hiệu quả. Trung tâm khuyến nông – khuyến ngư tỉnh luôn khuyến khích ngư dân vận dụng các thiết bị có hiệu quả vào sản xuất.

Công Tâm