Thu nhập cao hơn 10 – 25%
Những năm gần đây, Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (HTX Đồng Tâm) ở thôn Đĩnh Tú, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai được biết đến là điểm cung cấp sản phẩm thịt lợn an toàn, được nhiều người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng.
Anh Nguyễn Đình Tường – Giám đốc HTX Đồng Tâm cho biết: Hiện, HTX đã xây dựng được chuỗi thịt lợn sinh học khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, với quy mô 200 nái, 2.000 lợn thương phẩm, mỗi tháng HTX cung cấp cho thị trường từ 12-15 tấn thịt lợn sạch và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn sinh học mang thương hiệu “Thịt lợn sạch Quốc Oai”, “Xúc xích sạch Quốc Oai”.
Từng trải qua nhiều thất bại trong chăn nuôi lợn, tháng 8.2014, anh Tường được chọn là 1 trong 36 hộ chăn nuôi điển hình của Hà Nội được Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội mời tham gia dự án nuôi lợn bằng cám sinh học. Khởi điểm gia đình anh Tường được hỗ trợ 30 con lợn giống. Cùng với đó, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội còn cử cán bộ xuống tận gia đình tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học cho anh.
Áp dụng chăn nuôi lợn bằng cám sinh học đã mang lại nhiều ưu điểm cho trang trại của gia đình anh như chuồng trại không có mùi hôi thối, ít ruồi nhặng; lợn sinh trưởng khỏe mạnh, giúp đào thải độc tố nên ít phải sử dụng thuốc thú y điều trị bệnh dịch. Bên cạnh đó, chất lượng thịt lợn thơm ngon, khi chế biến vừa giòn, thơm và chắc thịt. Đặc biệt là giá bán thịt lợn sinh học của HTX luôn cao hơn 10-25% so với sản phẩm thông thường.
Nhận thấy thị trường tiêu thụ thịt lợn an toàn sinh học thuận lợi, năm 2015, anh Tường quyết định thành lập HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, anh Tường cùng với các thành viên trong HTX góp vốn đầu tư dây chuyền chế biến thịt lợn thành các sản phẩm như xúc xích, giò, chả… Hiện, HTX Đồng Tâm 10 hộ thành viên, trong đó, 7 hộ thành viên chuyên đảm nhận chăn nuôi lợn an toàn sinh học và 3 thành viên chuyên đảm nhận khâu giết mổ, đóng gói và vận chuyển thịt lợn thành phẩm cho các cửa hàng, siêu thị.
Tương tự HTX Đồng Tâm, chủ trang trại Nguyễn Công Bắc ở tổ 4, phường Chiềng Sinh, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La cũng thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học từ nhiều năm nay. Hiện nay, trên tổng diện tích 7ha, ông Bắc duy trì và phát triển 3 trang trại chăn nuôi lợn với quy mô 900 lợn nái, 5.000 lợn thương phẩm, bình quân mỗi ngày xuất bán ra thị trường từ 40 – 50 con lợn thịt.
Ông Bắc cho biết: “Trang trại được xây dựng hoàn toàn khép kín nên vận hành rất thuận lợi, hiệu quả. Theo đó, chuồng nuôi được xây kiên cố, sử dụng đệm lót sinh học đảm bảo kỹ thuật. Chúng tôi còn trang bị hệ thống điều hòa không khí, máy nghe nhạc, quạt thông gió, quạt khử mùi, bể tắm cho lợn, chưa kể các hệ thống nước uống tự động, hầm biogas xử lý chất thải, hệ thống báo nhiệt độ cũng được đầu tư đầy đủ, bố trí khoa học để tiện điều chỉnh theo thời tiết và quản lý thuận lợi”.
Nuôi lợn an toàn giữa tâm dịch
Thời điểm này, các chủ trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn như ông Nguyễn Công Bắc ở Sơn La hay Nguyễn Đình Tường ở Hà Nội… đều đang tích cực chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi – một loại dịch bệnh nguy hiểm đối với đàn lợn do virus gây ra.
Ông Nguyễn Công Bắc cho biết: “Ngay sau khi Việt Nam công bố ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện ở Thái Bình và Hưng Yên, Chi cục Thú y, Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La đã có công văn khẩn hướng dẫn các chủ trang trại chủ động ứng phó và phòng chống dịch. Trước đó, để giữ được đàn lợn an toàn trước các loại dịch bệnh, gia đình tôi đã thường xuyên “cấm trại” 100%. Bao gồm tuyệt đối không cho người lạ ra vào trang trại”.
“Trong trường hợp đặc biệt, khách cũng phải qua phòng khử trùng, mặc đầy đủ các đồ bảo hộ mới có thể được vào khu vực chăn nuôi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hạn chế nhân viên ra khỏi trại khi không cần thiết; hạn chế nhập thực phẩm như thịt lợn, gà, cá… từ bên ngoài vào. Thay vào đó là dùng lợn, gà, cá… mà nhà nuôi được” – ông Bắc thông tin.
Thời gian này, gia đình ông Bắc liên tục tăng cường sát trùng chuồng trại cả bên trong và bên ngoài lẫn khu vực xung quanh trại. Đặc biệt, tập trung sát trùng lối đi vào trại, nơi cân lợn, xe chở thức ăn, chở lợn. Cổng xuất và cổng nhập trong trang trại cũng có hố sát trùng và máy phun thuốc sát trùng, mỗi đầu trại có khay/hố sát trùng và thay nước hàng ngày.
Theo ông Bắc, do gia đình đều đặn xuất bán lợn hàng tuần nên đối với các phương tiện ra vào trại như xe tải bắt lợn, xe chuyển cám, xe 2 bánh... cần phải được phun xịt sát trùng thật kỹ trước khi vào trại.
“Một biện pháp quan trọng nữa để phòng dịch tả lợn châu Phi là tăng cường chăm sóc đàn lợn chu đáo, cho lợn ăn đầy đủ dưỡng chất và chỉ cho lợn ăn sau khi chuồng trại lợn đã đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.
Thường xuyên kiểm tra không để lợn ăn phải các loại cám ẩm mốc. Bổ sung vitamin C, các vitamin nhóm B thêm vào thức ăn cho lợn để tăng sức đề kháng. Tiêm vaccine ngừa phòng các bệnh do virus như lở mồm long móng, tai xanh... đúng lịch thú y. Trong đó phòng ngừa vaccine lở mồm long móng cho lợn 2 lần vào các thời điểm lợn 30 ngày tuổi và 60 lợn ngày tuổi, còn vaccine phòng bệnh tai xanh thì tiêm 3 lần/năm” – ông Bắc nhấn mạnh.
“Trong năm 2018, mặc dù dịch lở mồm long móng bùng phát ở nhiều nơi, nhưng gia đình tôi vẫn trụ vững, doanh thu từ chăn nuôi lợn đạt trên 40 tỷ đồng” – ông Bắc kể.