dd/mm/yyyy

Những thi thể lộ ra khi lớp băng tan trên đỉnh Everest

Với mong muốn chạm tay tới đỉnh núi Everest, hàng trăm người đã bỏ mạng từ lần thử sức đầu tiên và mãi mãi nằm lại trên dãy Himalaya.

Với chiều cao 8.848 m, Everest là đích đến trong mơ của hàng nghìn người muốn thử thách bản thân. Theo BBC, hơn 4.800 người đã đặt chân lên đỉnh núi cao nhất thế giới này.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ khả năng hoặc may mắn để chạm tới nóc nhà thế giới, bởi gần 300 nhà leo núi đã bỏ mạng ngay từ lần đầu tiên và hai phần ba số thi thể có lẽ vẫn bị vùi sâu dưới lớp băng tuyết dày. Nhiều thi thể của những nạn nhân xấu số đang được di dời khi sắp vào mùa leo núi.

"Do hiện tượng ấm lên toàn cầu, những tảng băng và sông băng đang tan ra nhanh chóng, để lộ ra các thi thể còn sót lại qua bao năm", theo Ang Tshering, cựu chủ tịch Hiệp hội Leo núi Nepal. Ông từng làm sherpa trong gần 50 năm, và tham gia cuộc thám hiểm Everest cùng những nhà leo núi Anh vào năm 1924.

Một quan chức chính phủ từng làm nhân viên liên lạc trên đỉnh Everest cho biết thêm: "Chính tôi tìm thấy khoảng 10 xác chết tại nhiều điểm khác nhau trên đỉnh Everest, rõ ràng ngày càng nhiều thi thể xuất hiện".

Thi thể của nhà leo núi Shriya Shah–Klorfine được quấn bằng quốc kỳ Canada. Cô chinh phục thành công đỉnh Everest, song đã không thể chiến thắng tử thần trên đường xuống núi. Hiện thi thể của Shah-Klorfine đã được an táng tại quê nhà. Ảnh: National Geographic.
Thi thể của nhà leo núi Shriya Shah–Klorfine được quấn bằng quốc kỳ Canada. Cô chinh phục thành công đỉnh Everest, song đã không thể chiến thắng tử thần trên đường xuống núi. Hiện thi thể của Shah-Klorfine đã được an táng tại quê nhà. Ảnh: National Geographic.

Năm 2017, bàn tay của một nhà leo núi tử nạn lộ ra trên nền khu cắm trại Camp 1. Cùng năm đó, một thi thể khác nổi lên mặt sông băng Khumbu. Khumbu còn được gọi là thác băng, nơi ngày càng nhiều xác chết xuất hiện trong những năm gần đây, theo những nhà chinh phục Everest.

Một nơi khác tập trung nhiều thi thể là khu cắm trại Camp 4, vùng đất bằng phẳng này còn được biết đến là South Col. "Chúng tôi nhận thấy lớp băng trên khu vực này đang mỏng dần, và đó là lý do ngày càng nhiều thi thể lộ ra", nhân viên của một tổ chức phi chính phủ tại địa phương cho hay.

Băng tan

Hàng loạt nghiên cứu chỉ ra rằng những sông băng trong khu vực Everest và phần lớn trên dãy Himalaya đang tan nhanh và mỏng dần.

Một nghiên cứu vào năm 2015 tiết lộ rằng, nhiều ao trên sông băng Khumbu đang mở rộng do băng tan nhanh. Quân đội của Nepal đã rút cạn hồ Imja gần núi Everest vào năm 2016, sau khi nước từ băng tan nhanh đạt mức nguy hiểm.

Sông băng Khumbu ngày càng mở rộng. Ảnh: C. Scott Watson/Đại học Leeds.
Sông băng Khumbu ngày càng mở rộng. Ảnh: C. Scott Watson/Đại học Leeds.

Một nhóm nhà nghiên cứu khác, bao gồm các thành viên từ các trường đại học Leeds và Aberystwyth ở Anh, năm ngoái đã khoan thăm dò trên sông băng Khumbu và thấy lớp băng ấm hơn dự đoán. Theo ghi nhận, trung bình nhiệt độ băng tối thiểu chỉ -3,3 độ C, ngay cả những phần băng lạnh nhất cũng ấm hơn 2 độ C so với nhiệt độ không khí trung bình hàng năm.

Tuy nhiên, không phải tất cả xác chết lộ ra đều do băng tan. "Do sự dịch chuyển của sông băng Khumbu, thỉnh thoảng chúng tôi lại nhìn thấy xác chết. Nhưng hầu hết những người leo núi đã chuẩn bị tinh thần để bắt gặp một cảnh tượng như vậy", Tshering Pandey Bhote, phó chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn Leo núi Nepal cho biết.

'Cột mốc'

Một số xác chết trên các khu vực cao hơn đã được dùng làm cột mốc cho những người leo núi, ví dụ thi thể "giày xanh" gần đỉnh núi. Dấu hiệu nhận biết chính là đôi giày xanh của một người leo núi xấu số nằm lại dưới một tảng đá.

Một số chuyên gia leo núi cho biết thi thể này sau đó đã được di dời trong khi quan chức ngành du lịch Nepal khẳng không có thông tin nào về việc "giày xanh" có còn được trông thấy hay không.

Việc di dời thi thể của những nhà leo núi trên dãy Himalaya đòi hỏi nhiều công sức. Ảnh: Roberto Schmidt.
Việc di dời thi thể của những nhà leo núi trên dãy Himalaya đòi hỏi nhiều công sức. Ảnh: Roberto Schmidt.

Di dời hay loại bỏ các thi thể tại những khu trại cao hơn trên đường lên đỉnh Everest là nhiệm vụ vừa tốn kém, vừa khó khăn. Những thành viên trong Hiệp hội Điều hành Những chuyến thám hiểm Nepal (EOAN) cho biết họ mang xuống tất cả dây thừng từ những khu cắm trại trên đỉnh Everest và núi Lhotse trong mùa leo núi này, nhưng không dễ dàng để xử lý những thi thể.

Thử thách nằm ở chỗ, luật pháp Nepal quy định các cơ quan chính phủ phải tham gia vào các vấn đề liên quan đến những nhà leo núi tử nạn.

Dambar Parajuli, chủ tịch EOAN, nhận định: "Vấn đề này cần được cả chính phủ và ngành công nghiệp khai thác trải nghiệm leo núi ưu tiên. Nếu họ có thể làm được điều này bên phía đỉnh Everest thuộc Tây Tạng, chúng ta cũng có thể giải quyết tại đây".

Ngoài ra, chi phí để đưa một xác chết xuống núi dao động từ 40.000 đến 80.000 USD. Một trong những cuộc di dời thi thể khó khăn nhất là từ độ cao 8.700 m, gần đỉnh núi, theo ông Ang Tshering. "Cơ thể ấy hoàn toàn đóng băng, nặng tới 150 kg và nằm tại một điểm khó tiếp cận từ độ cao trên", ông Tshering nói.

Theo nhiều chuyên gia, bất kỳ quyết định xử lý những xác chết trên đỉnh núi ra sao cũng đều là vấn đề cá nhân.

"Hầu hết người leo muốn nằm lại trên núi nếu họ chết", Alan Arnette, một nhà leo núi nổi tiếng đồng thời là một tác giả cho biết. "Vì vậy, sẽ là thiếu tôn trọng nếu chúng ta loại bỏ hài cốt của những người tử nạn, trừ trường hợp thi thể cần di dời khỏi cung đường leo núi hoặc gia đình nạn nhân muốn đưa họ về", Arnette nói.

Edmund và Tenzing trở thành hai người đầu tiên chạm tay vào giấc mơ của bất cứ nhà leo núi cự phách nào trong lịch sử. Ảnh: National Geographic
Edmund và Tenzing trở thành hai người đầu tiên chạm tay vào giấc mơ của bất cứ nhà leo núi cự phách nào trong lịch sử. Ảnh: National Geographic

Đỉnh Everest có độ cao 8.848 m, gấp hơn 10 lần tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa (829 m). Đỉnh núi được đặt là Everest vào năm 1856, theo tên một nhà trắc địa học George Everest, người thậm chí chưa từng đặt chân tới nóc nhà thế giới.

Radhanath Sikdar, nhà toán học người Ấn Độ, là người đầu tiên xác định độ cao của đỉnh Everest bằng các phép toán. Con số đầu tiên ông đưa ra là 8.839 m, sau đó Sikdar điều chỉnh lại thành 8.849 m.

Là điểm đến hút khách leo núi bậc nhất thế giới, Everest cũng là một nơi nguy hiểm bởi nhiều người đã đặt chân đến và mãi mãi không bao giờ trở về.

Bảo Ngọc