Video: Huyện Bảo Thắng, Lào Cai phòng chống dịch bệnh sau bão lũ.
Phòng chống dịch bệnh sau lũ bão
Cơn bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai, như huyện Bảo Yên, Bắc Hà, Bát Xát… Huyện Bảo Thắng cũng là địa bàn bị thiệt hại nặng nề với hàng nghìn ngôi nhà, cơ quan, xí nghiệp bị ngập trong nước và bùn lầy; hàng nghìn hecta hoa màu bị phá hủy; hàng nghìn hộ dân bị mất nước sinh hoạt… Tổng thiệt hại lên tới nhiều tỷ đồng và nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau lũ lụt là rất lớn.
Ngay sau khi nước lũ rút, điều kiện sinh hoạt của người dân đã từng bước được khắc phục. Cùng với đó, để bảo vệ môi trường sống, phòng tránh dịch bệnh, nhân dân huyện bảo thắng và các đơn vị trên địa bàn đã đồng loạt triển khai các giải pháp làm sạch môi trường. Trong đó, Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng là một trong những đơn vị tiên phong, chủ động triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả và phòng chống dịch bệnh sau lũ lụt.
Theo đó, toàn hệ thống y tế trên địa bàn huyện Bảo Thắng ngoài thực hiện công tác khám chữa bệnh, đã triển khai đồng loạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ cho các các xã, thị trấn. Hỗ trợ cung cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Chloramin B, Aquatabs hoặc những hóa chất khử khuẩn khác tại các vùng ngập lụt và sạt lở đất.
Chia sẻ với phóng viên, ông Đoàn Đức Hoàng, Trưởng khoa Y tế cộng đồng - Dinh dưỡng và ATTP (Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng, Lào Cai) cho biết: Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ, kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm vùng lũ lụt, do môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm, số lượng lớn xác súc vật, rác thải phân hủy làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đây là nguyên nhân phát sinh nhiều dịch bệnh như: đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết…
Trước những nguy cơ đó, ngay sau khi nước rút, Trung tâm Y tế huyện đã sẵn sàng triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh, tiến hành làm vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn tại các hộ gia đình, khu dân cư và khử khuẩn nguồn nước cho người dân, nhằm đảm bảo công tác vệ sinh môi trường khu dân cư sinh sống được đảm bảo.
"Sau khi các hộ dân được cấp lại nước sinh hoạt, bà con cũng đã nỗ lực phối hợp với Trung tâm Y tế huyện triển khai dọn vệ sinh, chỉnh trang lại nhà cửa, nhờ đó phần lớn rác thải, bùn đất đã được dọn dẹp, môi trường sống đang từng bước được cải thiện, những việc làm này sẽ góp phần giảm thiểu tối đa dịch bệnh sau bão lũ", ông Đoàn Đức Hoàng vui mừng bày tỏ.
Không để dịch bệnh bùng phát sau bão lũ
Cũng như nhiều hộ gia đình khác, gia đình ông Hoàng Văn Huyên, tổ dân phố số 2, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, Lào Cai cũng bị nước và bùn đất ngập sâu vào nhà. Những ngày này, có nước sinh hoạt, gia đình ông cũng nhanh chóng dọn bùn đất, chỉnh trang lại nhà cửa, sớm ổn định lại cuộc sống. Ông Huyên chia sẻ: Gia đình tôi đã sinh sống ở đây mấy chục năm, đây là trận lũ lớn nhất từ trước tới nay và cũng là trận lũ gây thiệt hại lớn, so với nhiều gia đình ở huyện Bảo Yên, Bát Xát hay Bắc Hà thì ảnh của của gia đình tôi không thấm vào đâu cả. Tôi mừng vì khi trận lũ quái ác đi qua, chính quyền các cấp tỉnh Lào Cai và chính quyền các huyện thị, cùng những tấm lòng hảo tâm của các mạnh thường quân đã nhanh chóng vào cuộc, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ bà con chúng tôi sớm trở lại cuộc sống hằng ngày.
Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng đã tổ chức phun khử khuẩn cho 100% số hộ dân trên địa bàn; Số hộ được khắc phục nguồn nước để sử dụng trên 90% hộ (một số hộ sạt lở tả ly không ảnh hưởng đến nguồn nước); đã khử khuẩn nguồn nước cho 586 hộ (nước giếng đào, giếng khoan, máng lần)/1313 hộ (nước máy, nước giếng đào, giếng khoan, máng lần); Sử dụng Cloramin B khử khuẩn 24/24 bể nước tập trung.
Triển khai đợt 1, Trung tâm Y tế huyện đã cấp phát 275kg cloramin B và tiếp tục cấp 11.700 viên Aquatabs để khử khuẩn nguồn nước, cấp 75Kg cloramin B, 75kg phèn chua để chuẩn bị khử khuẩn lần 2. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền cho người dân về công tác phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện cùng đã tiếp nhận và cấp phát 430 gói thuốc từ nguồn viện trợ tỉnh Nghệ An, 48 chai nước sát khuẩn tay, 288 chai nước muối đến các hộ dân bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3. Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, trong đó chú trọng tới các bệnh truyền nhiễm và bệnh mới nổi, bệnh không lây nhiễm liên quan đến các yếu tố khí hậu. Tiếp tục xử lý môi trường đợt 2 tại các điểm có nguy cơ ô nhiễm và triển khai tuyên truyền, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm sau bão. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe và các biện pháp xử lý, bảo quản nguồn nước hợp vệ sinh cho các hộ gia đình.
Để chủ động phòng tránh bệnh, bên cạnh sự nỗ lực của cán bộ y tế, người dân đang tích cực chủ động phối hợp thực hiện tốt giải pháp như: Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khử trùng nước sử dụng cho uống và sinh hoạt, bảo đảm dùng nước sạch trong ăn uống; làm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút; ăn chín, uống chín bảo đảm an toàn thực phẩm. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, chú ý vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.