dd/mm/yyyy

Cần sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất cho người dân vùng bị ảnh hưởng bão tại Lào Cai

Sáng nay 24/9, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ Trưởng Trần Thanh Nam làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai - địa phương bị thiệt hại nặng nề về người, tài sản, lúa, hoa màu.. do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cần sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất cho người dân- Ảnh 1.

ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, báo cáo với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT về tình hình lũ quét tại xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra thực địa, nắm tình hình tại khu vực bị lũ quét tại xã Trịnh Tường, ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát đã khái quát chung về tình hình thiệt hại do hoàn lưu cơ bão số 3 gây ra trên địa bàn xã. 

Hoàn lưu cơn bão số 3 đã làm 140 nhà của xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát bị ảnh hưởng; trong đó có 21 nhà bị vùi lấp và trôi hoàn toàn, 68 hộ trong vùng nguy hiểm phải di chuyển; gần 150 ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại; trong số này có 90ha bị vùi lấp, sạt lở hoàn toàn không thể khôi phục.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cần sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất cho người dân- Ảnh 2.

Nhiều ngôi nhà của người dân xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát (Lào Cai) bị hư hại, người dân phải di dời khẩn cấp. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Sùng A Dùa, Bí thư Chi bộ thôn Nà Lặc, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát (Lào Cai) chia sẻ: Sáng ngày 10/9, mưa to nhiều ngày khiến dòng nước lũ dâng cao cuốn trôi toàn bộ diện tích lúa của bà con trong thôn và nhiều nhà ở bị thiệt hại. 

Ông Sùng A Dùa, bảo: Gia đình tôi cũng như các hộ dân trong thôn giờ lúa vụ mùa mất trắng, nhìn bãi ruộng xanh ngát chỉ sau cơn lũ dữ biến thành bãi đá to, nhỏ nằm la liệt. Cuộc sống bà con chúng tôi thì khó khăn lắm nên việc cải tạo lại diện tích ruộng đã mất cần kinh phí rất lớn, không biết bao giờ mới khôi phục lại được.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cần sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất cho người dân- Ảnh 3.

Nhiều diện tích ruộng của người dân xã Trịnh Tường bị đá vùi lấp. Ảnh: Mùa Xuân.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác cũng đã chia sẻ những khó khăn, mất mát, thiệt hại do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra cho người dân huyện Bát Xát nói chung và người dân xã Trịnh Tường nói riêng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị cấp uỷ, chính quyền huyện, xã cần hỗ trợ người dân tập trung khôi phục sản xuất. Đặc biệt là đối với những diện tích đất ruộng bị đá vùi lấp khó khôi phục phải chuyển đổi sang trồng cỏ chăn nuôi phù hợp, lựa chọn cây con giống có năng suất chất lượng cao cho người dân trồng, chăn nuôi.

Đối với công tác tái định cư, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng: Huyện Bát Xát cần phải khảo sát, đánh giá lại những hộ dân không còn nhà ở, triển khai ngay các giải pháp cấp bách hỗ trợ nơi ở tạm cho người dân. Về lâu dài, cần có sự quy hoạch khu tái định cư làm sao đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bà con khi về nơi ở mới, giảm thiểu rủi ro khi có thiên tai.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cần sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất cho người dân- Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam kiểm tra khu tái định cư tại xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát. Ảnh: Mùa Xuân.

Đánh giá thêm về vai trò của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn tại các xã, thị trấn... trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Những cán bộ thôn, bản các địa phương đã được tham gia diễn tập thường xuyên do cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức. Tuy nhiên, những người bí thư chi bộ, trưởng thôn làm công tác ở thôn, bản là những người gần dân, nắm được mọi địa hình nhất. Do vậy, cần có những lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng nhiều hơn nữa trong công tác dự báo, phòng chống thiên tai.

Nhân dịp này, Bộ NN&PTNT đã ủng hộ xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát 150 triệu đồng để khắc phục hậu quả thiên tai.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cần sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất cho người dân- Ảnh 5.

Lãnh đạo UBND xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát thông tin về tình hình thiên tai trên địa bàn xã. Ảnh: Mùa Xuân.

Qua rà soát, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện Bát Xát có 1.200 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai; chủ yếu là loại hình sạt lở đất, lũ quét. Một số xã có số hộ cần di chuyển cao như: A Lù, Sàng Ma Sáo, Phìn Ngan, A Mú Sung….việc bố trí quỹ đất để sắp xếp dân cư còn khó khăn.

Hiện tại, huyện còn 1 xã A Lù là chưa tiếp cận trung tâm xã được bằng ô tô; 7 thôn chưa tiếp cận được bằng ô tô, xe máy và 4 thôn chưa có điện do nổ trạm biến áp. Đường lên các thôn ô tô chưa vào được nên không chuyển được Trạm biến áp thay thế, gây khó khăn cho công tác vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ và ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cần sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất cho người dân- Ảnh 6.

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra thực địa, nắm tình hình khu vực bị lũ quét tại xã Trịnh Tường. Ảnh: Mùa Xuân.

Huyện Bát Xát đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm đề xuất Trung ương cấp bổ sung kinh phí từ nguồn quỹ phòng chống thiên tai Trung ương hoặc nguồn khác để khắc phục các công trình giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế…bị ảnh hưởng do thiên tai đối với các công trình cấp thiết.

Về sắp xếp dân cư tập trung, huyện Bát Xát mong muốn được Trung ương hỗ trợ kinh phí cho các địa phương xây dựng các khu tái định cư tập trung. Huyện đang dự kiến đề xuất 7 khu tái định cư tập trung. Đối tượng phải di chuyển sắp xếp dân cư do thiên tai trên địa bàn huyện là trên 1.200 hộ, trong khi quỹ đất để thực hiện xen ghép còn hạn chế; trong đó riêng tại xã A Mú Sung đề xuất bố trí khu tái định cư tại thôn Tùng Sáng để sắp xếp cho trên 150 hộ dân tại các thôn Lũng Pô, Ngải Trồ và một số thôn trên địa bàn xã.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cần sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất cho người dân- Ảnh 7.

Bộ NN&PTNT ủng hộ xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai 150 triệu đồng khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: Mùa Xuân.

Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp&PTNT đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Dân tộc điều chỉnh hướng dẫn thực hiện nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Dự án 2 sắp xếp dân cư nông thôn theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân nằm trong vùng phải di chuyển dân cư.

Nghiên cứu thực hiện các chương trình, dự án điều tra, quan trắc, xây dựng bản đồ vùng có nguy cơ sạt lở và xây dựng hệ thống cảnh báo để kịp thời thông tin cho nhân dân ứng phó với sạt lở đất.

Về hỗ trợ khôi phục sản xuất bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét tham mưa cho Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Nghị định số 02/2017/NĐ – CP ngày 9/01/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh do định mức hỗ trợ theo Nghị định so với hiện tại là quá thấp. Đồng thời bổ sung thêm nội dung hỗ trợ khôi phục lại diện tích đất bị sạt lở, vùi lấp, hỗ trợ khôi phục lại cơ sở chăn nuôi, thuỷ sản bị ảnh hưởng do thiên tai...

Ảnh hưởng bão số 3 tại huyện Bát Xát (Lào Cai), đã khiến 15 người chết, 2 người mất tích và 10 người bị thương; hơn 1.300 ngôi nhà bị thiệt hại, gần 800 nhà phải di dời khẩn cấp.

Tổng số trường học bị thiệt hại 33 trường và điểm trường bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 6 Trạm Y Tế, phòng khám đa khoa bị ảnh hưởng, hiện tại đã khắc phục ban đầu để duy trì hoạt động khám chữa bệnh; 144 công trình thuỷ lợi bị hỏng đầu đập, sạt kênh vỡ kênh; 43 công trình cấp nước sinh hoạt bị hỏng (vỡ đập, gẫy đường ống dẫn nước…).

Tuyến quốc lộ 4E, các tuyến tình lộ 156b, 155, 158 bị sạt lở, đứt gãy nhiều đoạn, khối lượng đất đá vùi lấp, sạt lở khoảng trên 260.000 m3 đất đá, nhiều đoạn bị sạt mất nền đường. Có 19 tuyến đường huyện quản lý, trong đó có 11 tuyến do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện đang thi công bị ảnh hưởng do thiên tai, khối lượng đất đá sạt lở trên 204.000m3, làm hỏng 29.350m2 mặt đường, 2 cầu và 44 cống; 117 tuyến đường trục xã, trục thôn bị ảnh hưởng do thiên tai, khối lượng đất, đá sạt lở 450.000m3...

Nhiều công trình khác, như: Hệ thống điện có 4 trạm biến áp bị hỏng, 47 cột trung thế bị đổ, 2 cột hạ thế, 798m dây điện trung thế bị đứt gây mất điện trên toàn huyện, hiện tại các xã đã có điện. Thông tin liên lạc, có 182 cột treo cáp bị gẫy và khoảng 7.500m dây thông tin bị đứt, hiện tại các đơn vị nhà mạng đã tạm thời khắc phục sự cố, trung tâm 21/21 xã, thị trấn đã có sóng di động phục vụ thông tin liên lạc; 14 nhà máy của 5 công ty thuỷ điện trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng do thiên tai, đến hiện tại còn 5 nhà máy dừng hoạt động để khắc phục sự cố...

Về nông nghiệp, hơn 910 ha diện tích đất sản xuất đất lúa, ngô, hoa màu, cây trồng lâu năm, hàng năm bị vùi lấp và bị sạt lở. Về chăn nuôi, hơn 3.800 con gia súc, gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi; trên 45 ha diện tích nuôi cá bị thiệt hại...

Mùa Xuân