Ngành tôm Việt Nam có cơ hội đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD nếu vùng nguyên liệu đảm bảo. Ảnh Ngọc Thọ
Vấn nạn bơm chích tạp chất
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - đơn vị lĩnh trách nhiệm góp 2 tỉ USD trong tổng số kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD tôm của cả nước nói: Con số mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, vấn đề cần giải quyết của tôm Việt Nam là làm sao phải có nguyên liệu dồi dào đủ đáp ứng cho nhà máy đạt công suất 70% trở lên, làm sao giá tôm Việt phải cạnh tranh được tôm Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan...
Hiện tại giá thành của ta cao hơn các nước trên. Chúng tôi làm việc với nhiều nhà nhập khẩu tôm của Việt Nam họ nói rằng: Giá tôm của Việt Nam mà chỉ còn cao hơn Ấn Độ, Malaysia cỡ 5.000 đồng/kg thì các nước sẽ dồn hết sang mua tôm Việt Nam. Con số 10 tỷ USD xuất khẩu là trong tầm tay.
Trang trại nuôi tôm công nghệ cao tại Cà Mau. Ảnh minh họa
Ông Lê Văn Quang.
Ông Lê Văn Quang cho hay: Các nhà máy của Minh Phú mà hoạt động hết công suất thì mỗi năm cũng mang về 1,5 tỉ USD rồi. Trong 10 tỉ USD Minh Phú cam kết trước Thủ tướng sẽ góp 2 tỉ USD đâu có quá khó nếu đủ nguyên liệu, giá thành tôm giảm, giá tôm xuất khẩu cạnh tranh hơn.
Cũng theo ông Quang liên quan tới giá thức ăn, vật tư, thuốc... hiện nay còn nhiều bất cập. Cụ thể, do có quá nhiều nấc trung gian lại chiết khấu rất cao khiến giá thức ăn, dụng cụ, vật tư, thuốc, chế phẩm vi sinh cho nuôi tôm quá cao là lực cản tiến tới khát vọng 10 tỉ USD của ngành tôm.
Qua rất nhiều tầng lớp trung gian với mức chiết khấu rất cao làm đội giá cao thêm 50%, hoặc thậm chí có thuốc, có chế phẩm vi sinh đội giá lên gấp 2, gấp 3 lần, vì thế, lại một lần nữa giết chết dần các hộ nuôi tôm, các doanh nghiệp nuôi tôm.
Cũng chính vì qua rất nhiều tầng, nhiều lớp trung gian nên cơ quan nhà nước rất khó quản lý, làm sinh ra nhiều sản phẩm giả , sản phẩm nhái… người nuôi tôm càng sử dụng nuôi tôm càng chết. Hệ thống trung gian nhiều tầng nhiều lớp này tư vấn và bán thuốc kháng sinh cho nguời nuôi tôm dẫn đến tình trạng quá lạm dụng kháng sinh, nên tôm thương phẩm của Việt Nam bị nhiễm kháng sinh với tỷ lệ rất cao nên càng khó vào Nhật, EU, Mỹ.
Bảo hiểm cho tôm
Chia sẻ với Trang Trại Việt, ông Nguyễn Văn Nhiệm - Chủ tịch hiệp hội tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng chia sẻ, nếu như bảo hiểm nuôi tôm thành công thì mục tiêu 10 tỉ USD tôm xuất khẩu sẽ dễ dàng hơn.
Người dân thu hoạch tôm tại vùng nuôi tôm Sóc Trăng. Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Văn Nhiệm
"Thời gian qua, chính phủ có nhiều chủ trương giúp nông dân nhưng chủ trương đó đến nông dân rất khó và chưa có hiệu quả cao. Hiện nay, trong chuỗi sản xuất - kinh doanh tôm, người nuôi đang gặp khó khăn về tài chính nhất, thiếu vốn sản xuất trầm trọng nên ao tôm bị bỏ trống nhiều dù có nhiều mô hình nuôi thành công. Ví dụ như ở Sóc Trăng, ngành nông nghiệp cho vay nhiều ngàn tỉ đồng nhưng người nuôi tôm chỉ vay được có 500 - 700 tỉ đồng, mà vốn vay lớn toàn đổ vào nhà máy chế biến và doanh nghiệp. Do đó, ông Nhiệm cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tổ chức lại vấn đề tín dụng cho con tôm, để làm sao người nông dân được vay vốn sản xuất mà ngân hàng không bị nợ xấu" - ông Nhiệm cho hay.
Ông Lê Văn Quang cũng nhìn nhận, mấy năm qua, các công ty bảo hiểm quốc tế đến gặp và đề nghị bán bảo hiểm tôm nuôi cho Minh Phú rất nhiều. Tuy nhiên, trước khi đồng ý bảo hiểm, họ vào đánh giá, khảo sát quy trình nuôi của mình rất nghiêm ngặt, và doanh nghiệp, người nuôi phải chứng minh được tỷ lệ nuôi thành công ở mức 70 -80%.
"Dù chúng tôi đã triển khai thành công nhưng thời điểm đó để chứng minh tỷ lệ thành công lại là việc khác nên chưa thể mua bảo hiểm từ nước ngoài được. Từ năm 2016, chúng tôi xây dựng quy trình nuôi tôm mới, mật độ thấp, vừa sức tải môi trường kết hợp con giống kháng bệnh… thì việc mua bảo hiểm không còn khó khăn nữa" - ông Quang cho biết thêm.