Chật vật tìm lao động
Chia sẻ với PV Dân trí, chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa, Trưởng phòng Nhân sự (Công ty Tamron Việt Nam), cho biết: "Công việc tìm kiếm lao động vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn do dịch bệnh Covid-19".
Công ty nơi chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa làm việc đang có nhu cầu tuyển dụng gần 100 vị trí việc làm như, công nhân, kế toán, thủ kho. Tuy nhiên, dịch bệnh đã làm gián đoạn công tác tuyển dụng của công ty.
Theo chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa, sau khi dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, công ty đã dừng tổ chức những buổi phỏng vấn trực tiếp mà chỉ tiếp nhận hồ sơ ban đầu để đảm bảo an toàn cho người lao động và nhân viên.
Bằng kinh nghiệm tuyển dụng trong những đợt dịch bệnh bùng phát trước, chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa cho rằng, số lượng ứng viên đến công ty phỏng vấn trực tiếp sẽ thấp hơn khoảng 30% so với lượng hồ sơ đã nhận được trước đó, khiến việc tìm kiếm nhân sự trở nên khó khăn hơn.
"Các ứng viên thường có xu hướng nộp hồ sơ ở nhiều công ty khác nhau. Không ít người đã tìm được công việc phù hợp hơn trước khi chúng tôi tổ chức phỏng vấn" - chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa lý giải.
Cũng đang tìm kiếm lao động nhiều tháng qua, anh Lê Trung Hiếu, phụ trách tuyển dụng Công ty TNHH Bình Minh, chia sẻ: "Công ty tôi có nhu cầu tuyển nhiều nhân viên ở các vị trí như, công nhân, chuyên viên kiểm tra chất lượng sản phẩm, nhân viên kinh doanh, kế toán. Chúng tôi cũng sẵn sàng đào tạo lại với nhân viên mới mà vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Nhưng tìm lao động bình thường đã khó, nay dịch bệnh còn khó hơn".
Theo anh Lê Trung Hiếu, tuy người lao động bị mất việc làm do dịch bệnh Covid-19 có tăng, nhưng không thuộc chuyên môn mà doanh nghiệp đang tuyển dụng. Bên cạnh đó, nhiều lao động tỏ ra kén chọn, từ chọn nơi làm việc đến chế độ tiền lương thưởng, giờ giấc làm việc.
Để dễ dàng hơn trong việc tuyển dụng, thay vì nhận hồ sơ trực tiếp như trước đây, anh Lê Trung Hiếu nhận hồ sơ online sau đó phỏng vấn qua hình thức trực tuyến.
"Chỉ cần vài bước đơn giản là ứng viên có thể gửi hồ sơ online. Nhưng nhiều người không nghiên cứu kỹ nhu cầu tuyển dụng của công ty mà cứ thế nộp hồ sơ. Chúng tôi phải dành rất nhiều thời gian sàng lọc hồ sơ, ghi chú lại những thông tin phù hợp với vị trí công việc" - anh Lê Trung Hiếu chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo anh Lê Trung Hiếu, việc thay đổi phương thức tuyển dụng từ trực tiếp qua online còn dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc quản lý chi phí tuyển dụng vì giá cả đăng tin tuyển dụng trên các trang mạng thường không cố định.
"Ngoài ra việc tuyển dụng qua online công ty dễ bỏ sót những hồ sơ tiềm năng do thời gian nhận hồ sơ kéo dài, diễn ra hàng giờ, hàng ngày. Có những hồ sơ rất phù hợp với công ty, nhưng tại thời điểm đó vị trí phù hợp lại không còn chỗ trống" - anh Lê Trung Hiếu cho biết thêm.
Lựa chọn tối ưu
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã tác động nhiều đến thị trường lao động. Tuy nhiên, bên cạnh các đơn vị, doanh nghiệp cắt giảm nguồn lực lao động thì cũng còn nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động.
Đánh giá về thị trường lao động sau khi dịch bệnh bùng phát trở lại, ông Vũ Quang Thành nhận định, một số ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trước dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, như dịch vụ, du lịch, nhà hàng đã chững lại nhường chỗ cho các ngành nghề như kinh doanh, cơ khí điện, điện tử...
Ông Vũ Quang Thành cho biết: "Dịch bệnh đã hạn chế việc tiếp xúc, đi lại khiến cho việc kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn. Từ đó, chúng tôi triển khai hình thức kết nối online giữa doanh nghiệp và người lao động".
Việc triển khai kết nối người lao động và doanh nghiệp qua hình thức online, giúp người lao động không phải đi lại, di chuyển nhiều trong quá trình tìm việc, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, hình thức này, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người lao động và cả doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo vị Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, việc kết nối cung cầu qua hình thức online chưa đạt được hiệu quả cao như việc kết nối trực tiếp.
"Chưa đạt hiệu quả cao nhưng, ngày càng có nhiều dấu hiệu tích cực hơn khi mà doanh nghiệp thực hiện phỏng vấn qua online và tỷ lệ lao động tìm được việc làm sau khi phỏng vấn tăng lên. Đây là lựa chọn tối ưu cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay" - ông Vũ Quang Thành Thông tin.
Để có thể dễ dàng hơn trong việc tuyển dụng, ông Vũ Quang Thành cho rằng, doanh nghiệp cần nghiên cứu và sàng lọc kỹ các hồ sơ ứng tuyển được gửi đến, sắp xếp thời gian phỏng vấn phù hợp và linh động hơn trong yêu cầu tuyển dụng.
Về phía người lao động, cần trang bị thêm những kỹ năng về sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp và hồ sơ online đầy đủ, cụ thể...