Chủ tịch huyện "đi xin lớp"
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: "Cơ sở vật chất, trường lớp của huyện bây giờ đã khang trang hơn trước rất nhiều. Cùng với sự đầu tư của nhà nước thì nhiều nhà hảo tâm, đơn vị tài trợ đã xây dựng cho huyện nhiều phòng, lớp học. Nếu nói đến việc huy động xã hội hóa để xây dựng trường lớp thì là của anh Nguyễn Văn Thái, nguyên Chủ tịch UBND huyện. Anh Thái đã không ngần ngại vị trí Chủ tịch UBND một huyện, đi khắp nơi, gõ các cửa để có những phòng học khang trang cho các cháu".
Khi mới thành lập huyện Nậm Pồ (năm 2013) giáo dục Nậm Pồ gặp muôn vàn khó khăn. Số lượng giáo viên thiếu, không đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Nhiều điểm bản xa giáo viên phải dạy ghép để đảm bảo chất lượng giáo dục. Thầy cô sẵn sàng dạy ghép, không để học sinh trong độ tuổi đến trường không được ra lớp.
Nhưng khó khăn nhất của ngành giáo dục Nậm Pồ thời gian này chính là thiếu cơ sở vật, trường lớp chủ yếu là phòng học tạm. Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Nậm Pồ, cho biết: "Cách đây vài năm cơ sở vật chất của các trường còn thiếu rất nhiều. Chỉ được một số trường trung tâm, có điều kiện thuận lợi mới được đầu tư xây dựng. Còn lại vẫn là phòng học tạm. Qua rà soát toàn huyện có trên 500 phòng học tạm và bán kiên cố. Các anh thấy đấy, ngân sách dành cho đầu tư cơ sở, vật chất giáo dục không nhiều. Chính vì thế nhìn thầy cô học trong những lớp học tạm, không an toàn. Chúng tôi cũng thấy thật có lỗi với đồng nghiệp với học sinh".
Những băn khoăn này không riêng gì của ông Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, mà những thầy giáo, cô giáo hiệu trưởng các trường cũng rất khổ tâm vì trường lớp tạm bợ. Thầy giáo Trần Đăng Khoa, Hiệu trưởng, Trưởng tiểu học bán trú Phìn Hồ, chia sẻ: "Tôi công tác trên 20 năm ở huyện Nậm Pồ. Các trường khó khăn tôi cũng đã từng đặt chân đến giảng dạy. Ở huyện Nậm Pồ có cái chung là trường lớp tạm còn rất nhiều. Những điểm bản xa, gọi là lớp học chứ thật ra là làm tạm bằng cây rừng. Đầu năm học thầy cô và phụ huynh lại đóng góp ngày công tu sửa lớp học".
Đúng như lời ông Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện và thầy giáo Khoa, những lớp học tạm chỉ đủ che nắng chứ không thể che mưa. Những lớp học làm tạm bằng cây rừng, khi mưa xuống thầy trò lại đứng tụm vào một góc lớp tránh mưa. Mùa đông, lớp học không cửa, thông thống, gió lùa làm tăng thêm cái lạnh vùng biên viễn.
"Vào mùa đông, mỗi lần đi kiểm tra các điểm trường, nhìn học sinh mặt tái đi vì giá lạnh, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. So với điều kiện các học sinh vùng thuận lợi, được học trong phòng học khang trang, quần áo ấm đầy đủ mà vẫn còn lạnh. Huống chi học sinh vùng cao, mỗi chiếc áo mỏng trên người, vẫn phải đến lớp, chống chọi lại giá rét", Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nguyễn Xuân Thuận chia sẻ thêm.
Quyết tâm xóa "lớp học nghiêng"
Với phương châm điểm nào dễ làm trước, điểm nào khó làm sau. Kết hợp các nguồn đầu tư, hỗ trợ để xóa lớp học tạm. Theo ông Nguyễn Xuân Thuận thì nhà nước đầu tư sẽ xây dựng kiên cố. Các điểm trường chưa được nhà nước đầu tư, được các nhà hảo tâm hỗ trợ thì sẽ là bán kiên cố.
"Chúng tôi huy động tối đa nguồn lực để xóa phòng học tạm. Mỗi nhà hảo tâm đóng góp, đều được phòng giới thiệu đến các điểm bản khó khăn. Với phương châm thầy cô cùng các nhà hảo tâm xây dựng trường, ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết.
Được biết, kinh phí hỗ trợ của các nhà hảo tâm chỉ đủ mua vật liệu xây dựng các lớp học. Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng thầy cô giáo trong trường, phụ huynh trong bản cùng nhau vận chuyển vật liệu. Các thầy xây tường, cắt tôn, hàn sắt để có được lớp học bán kiên cố. Do vậy, để có nguồn kinh phí hỗ trợ xóa phòng học tạm, không chỉ có lãnh đạo huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo mà tất cả các thầy cô cùng góp sức.
"Nhà hảo tâm hỗ trợ nhiều hay ít cũng rất quý. Với huyện khó như chúng tôi thì 1 triệu hay vài chục đôi dép, vài chục bộ quần áo... cũng rất quý. Lúc đầu khi làm nhà 3 cứng, phòng học bán kiên cố thì ai cũng bảo khó vì kinh phí đòi hỏi rất lớn. Nhưng khi các thầy cô bắt tay cùng nhau làm thì mọi việc thuận buồm xuôi gió. Những lớp học 3 cứng, bán kiên cố dần thay thế cho những phòng học tạm", ông Nguyễn Xuân Thuận cho biết.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những phòng học mới khang trang ở những bản xa đã được xây dựng. Không ngần ngại đi xin từng phòng học, từng đôi dép, bộ quần áo cho học sinh. Từ anh Nguyễn Văn Thái, nguyên Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nguyễn Xuân Thuận, ông Vũ Văn Công, Chánh Văn phòng UBND huyện... đã kết nối nhiều nhà hảo tâm đến với huyện Nậm Pồ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, 522 phòng học kiên cố, bán kiên cố và 256 phòng học khung sắt đã được dựng lên. Sự nghiệp giáo dục của Nậm Pồ đã thay đổi. Có phòng học kiên cố, các thầy cô giáo yên tâm công tác trong sự nghiệp trồng người nơi vùng đất còn đầy gian khó như huyện Nậm Pồ.