dd/mm/yyyy

Điện Biên: Thông đường sau những cơn mưa

Hiện nay, tỉnh Điện Biên có 6 tuyến Quốc lộ với chiều dài hơn 620km và 8 tuyến tỉnh lộ có chiều dài hơn 212km. Qua rà soát, các tuyến Quốc lộ có khoảng 30 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Để đảm bảo trong mùa mưa lũ, Sở Giao thông Vận tải đã có phương án, thông đường, không để ách tắc kéo dài.

Theo thống kê, toàn tỉnh Điện Biên có hơn 8.337km đường giao thông các loại. Ðến nay 100% xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến được trung tâm; trong đó có 121 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã, đi lại được các mùa. Tỉnh chỉ còn 8 xã có đường ô tô chỉ đi được trong mùa khô.

Điện Biên: Thông đường sau những cơn mưa - Ảnh 1.

Công ty Cổ phần Quản lý Đường bộ II Điện Biên cắt cua trên tuyến Quốc lộ 12.

Mùa mưa năm nay diễn biến phức tạp, lượng mưa lớn, kéo dài. Ngay đầu mùa mưa, Sở Giao thông Vận tải đã xây dựng các phương án, đảm bảo an toàn giao thông. Với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Trong đó, chú trọng phương án chủ động, phòng ngừa; đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát các vị trí xung yếu. Các điểm dễ gây mất an toàn giao thông được chuẩn bị lực lượng, bố trí phương tiện, máy móc thiết bị, vật tư theo phương châm "4 tại chỗ".

Trao đổi với phóng viên Trang Trại Việt, ông Trần Thanh Kiên, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Điện Biên cho biết: "Do địa hình Điện Biên chia cắt, các tuyến đường đều nằm dọc các khe sông, suối; độ dốc dọc lớn. Vào mùa mưa, ở Điện Biên thường xuyên xảy ra sạt lở. Khắc phục tình trạng này, đảm bảo an toàn giao thông, Sở đã xây dựng phương án, phòng chống thiên tai. Sở đã giao cho các đơn vị quản lý đường bộ, có phương án sẵn sàng khắc phục khi có sự cố. Đảm bảo không để xảy ra tình trạng tắc đường kéo dài nhiều giờ".

Đối với những tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ huyết mạch, nối trung tâm tỉnh đi các huyện, trước mùa mưa đã được kiểm tra. Những vị trí xung yếu, dễ sạt lở đã được các đơn vị gia cố taluy âm. Bạt mái taluy dương, kè chắn sạt lở.

Ông Phạm Văn Phúc, Trưởng phòng Kỹ thuật - Quản lý giao thông (Sở Giao thông vận tải) cho biết: Chúng tôi luôn chủ động trong mọi tình huống thiên tai. Khi xảy ra mưa, lũ sẽ kịp thời ứng cứu bảo đảm giao thông nhằm thông đường trong thời gian sớm nhất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Vì vậy, trước mùa mưa, Sở đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra các tuyến đường, rà soát cụ thể các vị trí xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Sau khi đã xác định các vị trí xung yếu, Sở yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ bảo đảm đường bộ, như: Công ty Cổ phần Ðường bộ II Ðiện Biên; Công ty Cổ phần Ðường bộ 226… chuẩn bị đầy đủ máy móc, nhân lực, vật lực theo phương châm "4 tại chỗ" và trực đảm bảo giao thông 24/24 giờ để ứng cứu kịp thời.

Điện Biên: Thông đường sau những cơn mưa - Ảnh 3.

Công ty Cổ phần Đường bộ 226 Điện Biên, sửa chữa, nâng cấp Quốc lộ 6.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Đồng quản trị, Công ty Cổ phần đường bộ 226, cho biết: Hiện Công ty đang quản lý trên 250km đường Quốc lộ, tỉnh lộ. Tuyến đường Công ty quản lý là tuyến huyết mạch, nối Điện Biên với các tỉnh khác. Xác định được tầm quan trọng, trong đảm bản an toàn giao thông, đến nay Công ty đã huy động toàn bộ máy móc, trang thiết bị đến các vị trí xung yếu. Đảm bảo an toàn cho các tuyến đường, không để xảy ra tắc đường kéo dài.

"Tuyến Công ty quản lý là Quốc lộ 6 và Quốc lộ 12, nối Điện Biên với các tỉnh. Anh thấy đấy, toàn bộ máy móc đã được đưa đến các điểm xung yếu. Trước mùa mưa, chúng tôi đã rà soát tất cả các điểm hay xảy ra sạt, sụt. Gia cố các vị trí xung yếu, cắt cua, kè taluy âm. Với phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo an toàn giao thông khi xảy ra sự cố" ông Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.

Điện Biên: Thông đường sau những cơn mưa - Ảnh 4.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng & Thương mại Huy Hoàng sủa chữa, nâng cấp tuyến Quốc lộ 4H.

Hiện tại Công ty 226 đã chuẩn bị rọ thép, đá hộc, xăng dầu. Tập kết tại các điểm trên toàn tuyến quản lý. Sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sạt xụt, gây tắc đường. "Chúng tôi quyết tâm với các điểm sạt sụt nhỏ, không để tắc đường quá 2 giờ. Nếu xảy ra sạt sụt lớn, sẽ huy động tối đa phương tiện, máy móc, con người khẩn trương thông đường. Không để tắc đường quá 12 giờ' ông Thủy cho biết thêm.

Để đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa, Sở Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên đã thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Bố trí lịch trực đảm bảo giao thông 24/24 giờ đối với lãnh đạo sở, các phòng, ban liên quan. Tiến hành lập phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên các tuyến đường do Sở được giao quản lý.

Vinh Duy