dd/mm/yyyy

Nậm Pồ: Lấp núi, ngăn khe mở đường đến bản khó

Nậm Pồ là một trong những huyện biên giới khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên. Trước đây để đến các bản vùng cao, chỉ có cách đi bộ xuyên rừng. Xác định giao thông có phát triển thì đời sống người dân mới được nâng lên. Trong những năm qua, Nậm Pồ đã tập trung mọi người lực, ưu tiên phát triển giao thông nông thôn.

Trong câu chuyện với ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, chúng tôi được biết: Đầu tư cơ sở hạ tầng, UBND huyện luôn ưu tiên phát triển giao thông nông thôn. Những bản xa, chưa có đường ô tô đến sẽ được ưu tiên mở mới. Đồng thời nâng cấp, bê tông hóa các tuyến đường đã có. Trong 5 năm, huyện đã dành trên 500 tỷ đồng cho phát triển hệ thống giao thông nông thôn.

Nậm Pồ: Lấp núi, ngăn khe mở đường đến bản khó - Ảnh 1.

Đến cuối năm 2020, toàn huyện Nậm Pồ có 97,9km/446,2km đường xã và 30,3km/155km đường nội bản được cứng hóa (tuyến đường Nậm Củng - Huổi Anh, xã Chà Tở được mở mới năm 2016).

Có thể khẳng định trong 5 năm qua, huyện Nậm Pồ đã dành phần lớn ngân sách để mở mới, nâng cấp các tuyến đường. Theo ông Chu Văn Sử, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng thì năm 2015 gần như 100% đường giao thông trên địa bàn huyện Nậm Pồ là đường đất. Sau 5 năm tập trung nguồn lực cho phát triển giao thông, đến nay toàn huyện có 150km đường trục xã, liên xã, đường nội bản được bê tông hóa, nhựa hóa. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, huyện Nậm Pồ đã mở mới 4 tuyến đường từ trung tâm huyện đi các xã, bản đặc biệt khó khăn giúp người dân có thể đi lại thuận tiện trong cả 4 mùa, như: Tuyến đường Nậm Củng - Huổi Củng - Huổi Anh (xã Chà Tở) dài 12,7km. Tuyến Pa Tần - Huổi Tre (xã Pa Tần) dài 6km và Phiêng Ngúa - Nậm Chua (xã Nậm Chua) dài 4km. Tuyến trung tâm xã Nà Hỳ - bản Sam Lang dài 12km.

Nậm Chua là xã khó khăn nhất huyện Nậm Pồ, đặc biệt là hệ thống giao thông. Trước đây, xã Nậm Chua chưa có đường từ trung tâm huyện đến xã. Người dân muốn ra trung tâm huyện thì phải đi vòng qua xã Nà Hỳ. Năm 2015, UBND huyện Nậm Pồ phê duyệt dự án đường Phiêng Ngúa - Nậm Chua dài 4km. Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, tuyến đường nối trung tâm huyện Nậm Pồ với xã Nậm Chua đã hoàn thành.

Ông Vàng A Súa, Trưởng bản Nậm Chua 4, xã Nậm Chua cho biết: Từ khi tuyến đường Phiêng Ngúa - Nậm Chua đưa vào sử dụng, người dân đi lại thuận tiện, rút ngắn hơn 5km từ xã đến trung tâm huyện so với trước kia. Tạo điều kiện cho bà con vận chuyển hàng hóa, vật tư sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trên tuyến còn 1 điểm qua suối chưa có cầu cứng nên ô tô của thương lái chưa thể vào xã thu mua nông sản của người dân.

Nậm Pồ: Lấp núi, ngăn khe mở đường đến bản khó - Ảnh 3.

Tuyến đường đến bản tại xã Nà Hỳ được bê tông hóa.

Các tuyến đường liên xã, nội bản được thực hiện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Nhà nước hỗ trợ vốn, nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động trong công tác giải phóng mặt bằng. Ông Mùa A Hòa, Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn, cho biết: "Phát triển giao thông nông thôn gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ năm 2015 đến nay, xã Si Pa Phìn đã bê tông hóa được trên 20km đường liên bản, nội bản. Đến nay, tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn đã hoàn thành".

Nậm Pồ: Lấp núi, ngăn khe mở đường đến bản khó - Ảnh 4.

Tuyến đường từ trung tâm xã Nà Bủng, đến bản Nậm Tắt 1, Nậm Tắt 2 có chiều dài hơn 4km được bê tông hóa.

Không chỉ tập trung phát triển giao thông ở những bản thuận lợi, UBND huyện đã chỉ đạo ưu tiên cho những bản xa chưa có đường giao thông. Ông Đỗ Thủy Trung, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện khẳng định: "Chúng tôi vừa tập trung mở mới đường đến bản xa. Với những bản có điều kiện, UBND huyện bố trí vốn, thực hiện làm đường bê tông. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Những công trình giao thông nông thôn, khi hoàn thành đã góp phần thúc đẩy kinh tế của từng xã, bản phát triển".

Ông Tráng A Dè, Chủ tịch UBND xã Nà Bủng, chia sẻ: "Trước đây để ra trung tâm huyện, bà con phải vất vả với con đường đất gồ ghề, xuống cấp. Năm 2017 được sự đầu tư của nhà nước, tuyến đường từ Nà Hỳ và trung tâm xã đã được dải nhựa. Bà con trong xã phấn khởi, bây giờ đi từ xã ra huyện chỉ mất 1 giờ, trước đây bà con đi nhanh cũng mất 3 giờ đồng hồ".

Nậm Pồ: Lấp núi, ngăn khe mở đường đến bản khó - Ảnh 5.

Đường đến bản Nậm Tắt 1, 2 xã Nà Bủng được bê tông.

Phát triển giao thông ở huyện miền núi không dễ vì địa hình chia cắt, nhiều sông suối. Vì mục tiêu phát triển kinh tế các xã vùng cao, biên giới huyện Nậm Pồ đã tập trung nguồn lực cho giao thông nông thôn. Theo ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ thì trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, UBND huyện tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho phát triển giao thông. Những con đường đất, đá trơn lầy lội vào mùa mưa sẽ được thay thế dần bằng những con đường bê tông kiên cố.

Vinh Duy