dd/mm/yyyy

Mường Nhé tập trung phát triển giao thông nông thôn

Tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, sinh hoạt, giao thương buôn bán, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đã lồng ghép các nguồn vốn. Chú trọng phát triển giao thông nông thôn, đặc biệt là các tuyến đường liên xã, bản. Ðây được xem là đòn bẩy để Mường Nhé thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những xã, bản vùng sâu, biên giới.

Cách trung tâm huyện lỵ Mường Nhé gần 40km, những năm gần đây, nhờ được thụ hưởng từ các chương trình, dự án, xã biên giới Sen Thượng đã được đầu tư, nâng cấp tuyến đường dẫn vào trung tâm xã. Ông Chang Phạ Giá, Chủ tịch UBND xã Sen Thượng cho biết: Do các bản ở rải rác, cách xa nhau, địa hình đồi núi hiểm trở, địa chất đất yếu, dễ xảy ra sạt sụt… nên việc khảo sát, kiên cố hóa đường giao thông nông thôn gặp nhiều khó khăn. Ðến nay, với sự quan tâm đầu tư của Ðảng và Nhà nước, toàn xã có hơn 16km đường bê tông, 7/7 bản có đường ô tô đến tận nơi. Trong đó, 4 bản (Sen Thượng, Tá Khoa Pá, Long San, Chiếu Sừng) đã có đường bê tông kiên cố. Ðối với 3 bản còn lại (Tả Ló San, Pa Ma, Lò San Chái) chưa có đường bê tông, xã đã huy động nhân dân góp công san gạt nền đường, khơi thông rãnh thoát nước... khắc phục tạm thời để đi lại. Hiện xã đã làm tờ trình lên UBND huyện để xin bố trí nguồn vốn đầu tư đường bê tông, tạo điều kiện để nhân dân đi lại, phát triển sản xuất.

Mường Nhé: Tập trung phát triển giao thông nông thôn - Ảnh 1.

Huyện Mường Nhé đang tập trung mọi nguồn lực để bê tông các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã.

Ông Ðàm Văn Cường, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Nhé cho biết: Hiện nay huyện Mường Nhé đang quản lý 158,6km đường giao thông, các xã quản lý 243,96km đường giao thông liên thôn, bản, nội đồng. Ngoài quốc lộ, tỉnh lộ đã được nhựa hóa thì 100% đường đến trung tâm các xã là giao thông nông thôn loại A, B. Ðể đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường do huyện quản lý, UBND huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng tổng kiểm tra, đánh giá thực trạng, xây dựng phương án đảm bảo giao thông. Chủ động phối hợp với các phòng chuyên môn, trực tiếp cử cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn khảo sát thực tiễn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch đảm bảo giao thông tại các tuyến đường liên bản, liên xã, đặc biệt là các vị trí xung yếu dễ xảy ra sạt sụt, gây ách tắc giao thông.

Mường Nhé: Tập trung phát triển giao thông nông thôn - Ảnh 2.

Các tuyến giao thông đến các bản cũng được ưu tiên đổ bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.

Ðể phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, huyện Mường Nhé đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; mở mới những tuyến đường liên xã, liên bản. Quá trình đầu tư được thực hiện nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, xây dựng một số tuyến giao thông huyết mạch. Ðồng thời, huyện cũng chỉ đạo các xã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung và hạ tầng giao thông đến các tầng lớp nhân dân nắm rõ. Từ đó tạo sự đồng thuận, huy động sức dân tham gia làm đường GTNT. Ngoài ra, để các công trình thi công đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, công tác thẩm định dự án cấp phép xây dựng được huyện tập trung thực hiện nghiêm túc theo cơ chế "một cửa" giải quyết công việc theo quy trình ISO, nhận hồ sơ thẩm định dự án, trả kết quả đúng thời gian quy định.

Mường Nhé: Tập trung phát triển giao thông nông thôn - Ảnh 3.

Các tuyến đường được thi công, đảm bảo chất lượng, đúng thiết kế, phục vụ việc đi lại thuận lợi của người dân.

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" từ năm 2019 đến nay, huyện Mường Nhé đã cải tạo, mở mới và nâng cấp 48,3km đường GTNT với tổng vốn đầu tư 95,6 tỷ đồng (nhân dân đóng góp 531 triệu đồng). Ðến nay, 9/11 xã có đường trải nhựa và bê tông đến trung tâm (đạt 81,8% mục tiêu Nghị quyết); 95% số bản có đường ô tô (44,7% được bê tông hóa). Có thể khẳng định việc hoàn thành và đưa vào sử dụng các tuyến đường GTNT đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới nhiều xã vùng cao, biên giới, nhất là tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi lại, sản xuất, trao đổi hàng hóa.

Vinh Duy