dd/mm/yyyy

Miên man vùng quê Kinh Bắc

Theo hướng nghiêng Tây bắc - Đông nam, những dòng sông Đà, sông Hồng đổ nước về biển Đông, triệu triệu hạt phù sa li ti lặng lẽ bồi tụ thành những miền châu thổ ra tới miền duyên hải.

Ngược lên phía Bắc theo hướng Đông lại có những miền trung du với những dòng sông nhỏ, những làng quê khiêm nhường ẩn mình sau những dãy núi cận kề miền biển.

Nơi ấy, núi sông giao hòa, những cánh đồng thành cổ tích và những ngọn núi mang trong mình truyền thuyết. Bắc Ninh, trấn Kinh Bắc, hay miền quan họ? Những tên gọi đã thôi thúc chúng tôi một ngày bước chân đến nơi đây.

Ra khỏi Hà Nội chừng hơn 40km, chúng tôi đến làng Diềm (thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh). Từ trung tâm thành phố, hướng đến ngôi làng cổ mà trong thâm tâm ai cũng mường tượng nền văn minh nông nghiệp đã hình thành nên làng quê yên bình, đắm chìm trong tiếng hát đã sinh ra trước cả văn hóa kinh kỳ của Hà thành, ai cũng thoáng chút bâng khuâng.

Ngồi cạnh tôi, người bạn đất quan họ có chất giọng sáng và ấm bảo: "Hôm nay đưa anh về thăm cội nguồn nơi có đền Cùng, giếng Ngọc nhé”.

Chúng tôi đến đình làng Diềm trong cơn mưa lất phất cuối chiều. Hôm nay trời không nắng, không có những áng mây trắng bay về từ phía đền thờ Lý Bát Đế, nhưng những giọt mưa lất phất trên sân đình cổ vẫn gợi nhớ không khí của mùa xuân. Một ngôi đình kỳ lạ đã trường tồn qua chiến tranh.

Nghe cụ thủ từ trông nom ngôi đình kể, ở đất Kinh Bắc từ xưa đã lưu truyền câu ca dao: "Thứ nhất là đình Đông Khang, thứ nhì đình Bảng, vẻ vang đình Diềm". Sở dĩ được mang hai chữ "vẻ vang" bởi trong khi các đình khác chỉ thờ Thành hoàng làng thì đình Diềm thờ ngũ vị thành hoàng gồm: ông Trương Hống - Thánh Tam Giang, Vua bà Thủy tổ Quan họ, ông Quan Đô Thống, ông Giáp Ngọ, ông Ngũ Vị Bảo Hựu.

Kiến trúc ba gian hai chái xưa nay chỉ còn lại một gian hai chái nhưng vẫn giữ được vẻ tôn nghiêm và khiêm nhường. Khẽ cúi đầu bước vào cửa đình, trước mắt chúng tôi là cửa võng nổi tiếng đã được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến.

Hoa văn do những nghệ nhân tài hoa tạo nên không chỉ thể hiện sự trang nghiêm, quý phái mà còn khéo lồng vào trong đó cả những hình ảnh bình dị, chân thực của làng quê như bóng dáng những cô thôn nữ xinh đẹp gắn với những sinh hoạt cộng đồng của làng quê xưa.

31 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến xưa chính là sự lý giải thuyết phục nhất cho giá trị của ngôi đình làng tưởng như rất bình dị như bao mái đình Việt này.

Khi chúng tôi bước ra khỏi sân đình, mưa đã tạnh và nắng đã nhạt, một góc trời xanh non hiện lên làm nền cho mái đao và những tán cây cổ thụ. Phía trước đình là những cánh đồng và mặt hồ trong như gương, những ông lão ngồi câu cá trầm tư soi bóng xuống mặt hồ xưa cũ. Chợ họp ven đình làng nhưng không ồn ã mà lặng lẽ mớ rau, con cá, người mua, kẻ bán vẫn giữ được thổ âm người quan họ sang trọng mà mộc mạc.

Theo chân người làng quan họ, chúng tôi đi theo con đường nhỏ ven hồ ra thăm đền Cùng, giếng Ngọc. Ngôi đền tọa lạc trên một mảnh đất nhỏ và toát lên nét cổ xưa từ những tán cây tỏa bóng mát, thờ hai nàng công chúa (nhị nhân thần nữ) là Tiên Dong (Tiên Dung) và Thủy Tiên - con vua Lý Thánh Tông.

Có lẽ, điều đặc biệt nhất là mặt giếng cổ có hình vuông vức ngay trước mặt đền như một biểu tượng về cội nguồn trong sáng. Nhìn người đàn ông của làng lặng lẽ bước xuống những bậc đá kín nước, mặt nước trong như gương lại nhớ đến câu chuyện xưa ở mảnh đất này về một mạch nước ngầm ẩn trong rừng lim cổ.

Người xưa đồn rằng, chính nguồn nước trong mát này đã làm nên nhan sắc và giọng hát trong trẻo của những cô gái quan họ nơi đây (ngày nay người dân vẫn lấy nước giếng Ngọc để ăn và dùng nước máy để tắm giặt).

Khi nhấp một ngụm nước giếng trong mát, ngước nhìn vòm trời xanh thẳm, ta chợt nhận ra sức sống bình yên diệu kỳ đã tồn tại ngàn năm ở nơi đây. Vùng Kinh Bắc, đất cổ phát tích của vương triều Lý như không có dấu vết thời gian, mặt nước in trời vẫn nguyên vẹn một không gian thuần Việt.

Chúng tôi quay lại đình Diềm để được nghe các liền anh, liền chị hát những làn điệu thân quen. Vốn chẳng lạ lẫm gì với những bài hát ấy, nhưng khi được nghe tiếng hát quan họ dưới mái đình cổ thờ bà tổ nghề trong một không gian như thế, chúng tôi cảm nhận một cảm giác rất lạ.

Giữa muôn vàn đổi thay của các vùng quê, dường như những giá trị văn hóa, tinh thần Việt vẫn được gìn giữ bằng chính tình yêu quê hương, đất nước của con người nơi đây. Trở về, những ấn tượng tốt đẹp vẫn còn được lưu giữ mãi trong tâm trí chúng tôi.

(Dân Việt)