dd/mm/yyyy

Liên kết nông dân tạo sức mạnh, hóa giải khó khăn

Báo cáo tham luận tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Phong (Tây Hòa – Phú Yên) mong muốn tổ chức Hội tiếp tục đẩy mạnh các mô hình liên kết nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Thời bao cấp, HTX Hòa Phong (Tây Hòa - Phú Yên) là một trong những đơn vị dẫn đầu về phong trào hợp tác hóa nông nghiệp của tỉnh Phú Khánh. Sau tách tỉnh, HTX Hòa Phong trở thành đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới.

Hiện, HTX Hòa Phong đã thực hiện nhiều loại hình kinh doanh đem lại hiệu quả như dịch vụ kinh tế hộ phục vụ đời sống thành viên, sản xuất đá lạnh cây, dịch vụ đầu tư tín dụng nội bộ, mua bán vật tư nông nghiệp, bán lẻ xăng dầu các loại, dịch vụ điện dân dụng, khai thác khoáng sản cát, liên kết dạy tin học ngắn hạn, thu gom rác thải nông thôn…

Trong sản xuất lúa, HTX đã đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, HTX thực hiện thành công chương trình 3 giảm 3 tăng, sạ hàng, sạ thưa hợp lý, sản xuất giống nông hộ… Đồng thời, các thành viên đã áp dụng các chương trình như IPM, ICM (các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao) nhằm góp phần hạn chế sâu bệnh, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động.

Nhằm chủ động nguồn vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của thành viên và ổn định được giá cả, không để tư thương ép giá, HTX đầu tư ứng trước các loại vật tư phân bón, để thành viên sản xuất, nhất là sản xuất lúa, cuối vụ thu hoạch HTX mới thu tiền; HTX chịu trách nhiệm về chất lượng và số lượng hàng hóa, giá cả hợp lý, đáp ứng đầy đủ theo nhu cầu của thành viên.

Ngoài ra, HTX còn hợp đồng với 16 thành viên ở 08 thôn trong toàn HTX đứng ra làm đại lý có nhiệm vụ vận chuyển vật tư từ kho đến từng nhà hộ thành viên để bán, giá bán theo đúng giá HTX đã thông báo.

Xác định giống là một yếu tố đầu vào quan trọng, HTX đã liên kết với các trung tâm giống và kỹ thuật cây trồng làm dịch vụ sản xuất và tiêu thụ lúa giống làm ra của thành viên. Hiện, diện tích sản xuất lúa giống của HTX đạt khoảng 10 ha/năm; sản lượng 165 tấn/năm.

Ngoài ra, HTX còn làm dịch vụ làm đất; thu hoạch lúa. Các chủ máy thỏa thuận hợp đồng thu hoạch với HTX phải đóng góp phí tu sửa giao thông – thủy lợi nội đồng và phí quản lý cho HTX là 2.000.000 đ/máy/vụ.

... Đến hiệu quả môi trường

Là HTX toàn xã, HTX Hòa Phong có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện tiêu chí môi trường trong quá trình xây dựng và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương. Trong đó, hoạt động thu gom rác thải là nền tảng quan trọng của HTX trong việc nâng cao ý thức nhân dân và giải quyết rác thải tồn đọng.

Để bảo đảm môi trường xanh, sạch đẹp ở khu vực dân cư trong toàn xã, HTX đứng ra làm dịch vụ thu gom rác thải trên 64 tuyến đường với tổng chiều dài 61 km. Hiện, tổng số hộ tham gia nộp phí rác thải là 2.114 hộ.

Nhằm giữ vững làng nghề truyền thống về trồng dâu nuôi tằm, HĐQT HTX đã chỉ đạo cho thành viên có diện tích trồng dâu, nuôi tằm chặt đốn, chăm sóc cây dâu để đủ lá làm thức ăn cho tằm. Năm 2018 nuôi được 3 lứa, số trứng tằm nuôi được là: 26 hộp, số kén thu được 300,6kg. Tổng số tiền thu bán kén là 56.938.000 đồng, số con tằm bán cho HTX ngâm rượu 306,9 kg. Tổng số tiền bán con tằm là: 24.552.000 đồng. HTX liên doanh liên kết với siêu thị Coopmart tỉnh Phú Yên, liên kết với 15 đại lý bán rượu tằm trong toàn tỉnh Phú Yên để tiêu thụ. Năm 2017-2018, HTX đã bán được 1.200 lít. Tổng số tiền: 222.400.000 đồng.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Tây Hòa chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” do UBND huyện Tây Hòa phát động, HTX đã vận động thành viên trong HTX tham gia đóng góp 1,8 tỉ đồng, để đầu tư xây dựng các tuyến kênh mương và cứng hóa bằng đất sỏi đồi các tuyến giao thông nội đồng. Từ năm 2012 – 2018, HTX đã thực hiện nâng cấp, mở rộng, cứng hóa 19 tuyến đường nội đồng với tổng chiều dài 14,3 km, tổng kinh phí 427.790.000 đồng; bê tông xi măng 10 tuyến kênh mương nội đồng với tổng chiều dài 4,827 km, tổng kinh phí trên 3,86 tỷ đồng, kinh phí từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Xưởng sản xuất rượu tằm của HTX Hòa Phong.
Xưởng sản xuất rượu tằm của HTX Hòa Phong.

Theo ông Tuấn, thành công này đã khẳng định sự cần thiết vai trò quan trọng về kinh tế tập thể trong giai đoạn hiện nay, đã góp phần ổn định sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong thành viên; góp phần xóa đói, giảm nghèo tham gia tích cực về xây dựng nông thôn mới.

“Trong sản xuất nông nghiệp cơ cấu lịch thời vụ hợp lý được thành viên đồng tình, đem lại hiệu quả cao; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm công ty thu mua tươi tại ruộng, giá cả ổn định, giảm được chi phí thu hoạch của thành viên, ngoài ra còn cung cấp đủ nhu cầu giống xác nhận cho bà con thành viên sản xuất, tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trong sản xuất ở địa phương” – ông Tuấn nói.

Trong thời gian tới, ông Tuấn mong muốn, các mô hình liên kết, hợp tác của các tổ, nhóm nông dân tiếp tục được phát huy, mở rộng, đi kèm với các chính sách hỗ trợ cụ thể để giúp nông dân sản xuất hiệu quả.

Anh Thơ