dd/mm/yyyy

Liên kết chăn nuôi bò sữa hướng đi mới ở Trác Văn

Trác Văn là 1 trong 3 xã của huyện Duy Tiên (Hà Nam) có phong trào nuôi bò sữa phát triển, là một mô hình hay, hiệu quả kinh tế cao, đang được nhân rộng sang các xã khác.

Các hộ dân đã lập khu nuôi bò sữa tập trung để liên kết, nâng cao hiệu quả

Việc nuôi bò sữa ở Trác Văn, xuất phát từ những gia đình đơn lẻ. Hiện trong làng có 7 gia đình, nuôi ở mức 10 con bò/hộ, gồm cả bò cho sữa và bê con. Nhưng đáng chú ý hơn cả, là 5 gia đình, nuôi tập trung ở một khu ngoài đồng, mỗi gia đình nuôi cỡ 30 con, trong đó có trên 20 con cho sữa và 10 con bê “hậu bị”.

5 gia đình tổ chức chuồng trại liền kề nhau, nuôi theo kiểu công nghiệp, đầu tư chiều sâu cho chuồng trại, thức ăn. Các gia đình sử dụng chất thải từ bò, để nuôi giun quế, vừa giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường, vừa tăng thêm thu nhập.

Cụm gia đình chăn nuôi bò sữa này, tập trung tại cánh đồng thôn Nguyễn Xá, có thể coi là những trang trại liên hoàn, giúp nhau chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và ứng cứu trong lúc khó khăn.

Khi chúng tôi đến trang trại của anh Phạm Quốc Việt, thấy việc chăn nuôi bò sữa rất bài bản. Các giống cỏ, đều là loại cỏ chuẩn, dành riêng cho bò sữa. Ngoài ra thức ăn là cám, được phối trộn theo một công thức riêng. Bò còn được cho ăn các loại thức ăn giàu dinh dưỡng như đậu tương, ngô… để cho loại sữa có chất lượng cao.

Khởi nghiệp từ 2015, lúc đầu chỉ có 7 con bò cái. Từ bò cái, sinh ra bê con, rồi cứ tiếp tục nhân rộng. Đến 2016, vợ chồng anh Việt đã có 15 con bò, trong đó 10 con cho sữa. Bò khi đẻ, sẽ được tách con, chăm sóc riêng. Bò mẹ vừa cho sản phẩm sữa, vừa chăm sóc con. Thời gian khai thác (vắt sữa) nuôi con từ 9 đến 10 tháng. Có con bò trong thời gian khai thác sữa, lại tiếp tục chửa. Và một lứa bê mới, bê “hậu bị” lại ra đời.

Tính đến tháng 5.2017, trang trại của Phạm Quốc Việt đã có 30 con bò, trong đó có 10 con bê “hậu bị” và 20 con cho sữa. Theo quy trình, bò đẻ ra bê đực, thì sau 20 – 25 ngày sẽ “xuất chuồng”. Bê cái giữ lại để tăng đàn. Theo tỷ lệ hiện nay, bê đực, cái là bằng nhau. Như vậy, mỗi năm đàn bò sữa sẽ tăng tự nhiên.

Ngay ở đầu ngõ, đã có một trạm thu mua sữa của Vinamilk, với sự kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Tuy nhiên, các trang trại do áp dụng chăn nuôi theo cách công nghiệp, nên chất lượng sữa luôn bảo đảm. Việc bán sữa của các hộ, được Công ty ký hợp đồng, có đăng ký, có thẻ, có mã số… Sữa được chứa trong các thùng chuyên dụng, bảo đảm vệ sinh cao nhất và do đó, chất lượng luôn ổn định.

Với mức chăm sóc như hiện nay mỗi con bò phải đầu tư khoảng 2 sào cỏ (700m2/bò). Với 30 con, gia đình anh Việt phải có trên 5 mẫu cỏ dành cho bò. Nguyện vọng của các gia đình nuôi bò sữa, là được Nhà nước đầu tư cho diện tích trồng cỏ ổn định. Vườn cây ăn quả bên cạnh các trang trại, cần được quản lý nghiêm ngặt, tránh việc sử dụng thuốc trừ sâu, ảnh hưởng đến trang trại, tức là ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa bò…
Anh Phạm Quốc Việt
Theo Đỗ Bảo Châu