dd/mm/yyyy

Lão nông xứ chè phủ vàng 3ha đồi cam, ổi đường và nhãn

Từ 3ha đất cằn cỗi, bỏ hoang, ông Phạm Văn Trinh (sinh năm 1967) ở xóm Thuận Đức 3, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) đã kỳ công lập nên trang trại cây ăn quả trồng cam, ổi đường và nhãn mỗi năm thu về 600 triệu đồng.

Ông Trinh (bên trái) giới thiệu Mô hình trồng cây ăn quả tổng hợp cho thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm.

Về xóm Thuận Đức 3, theo những chuyến xe tải, xe thồ từ con đường lớn vào thu mua hoa quả của một số hộ dân, chúng tôi tìm đến nhà ông Trinh khi ông đang bận rộn đóng hàng cho khách. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trinh cho biết: Trước đây, toàn bộ khu đất hơn 3ha này là của Nông trường Bắc Sơn, do đất bạc màu, cằn cỗi nên chỉ có duy nhất cây xả sống được. Sau nhiều lần tìm hiểu, nhận thấy chất đất ở đây có thể cải tạo để trồng một số loại cây ăn quả, năm 2000, tôi đã mua lại khoảng 1ha và bắt tay vào làm kinh tế.

Vốn sinh ra và lớn lên ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên), trong một gia đình có truyền thống làm cây giống các loại nên ông Trinh đã tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm. Bởi thế, sau khi mua đất của Nông trường, ông đã thuê máy múc để xới toàn bộ diện tích bề mặt lẫn với phân hữu cơ tạo độ tơi xốp sau đó trồng cây ăn quả. Sau hơn 2 năm, vườn cây đã bắt đầu cho thu hoạch những quả ngọt đầu tiên, cho thu lãi hơn 50 triệu đồng. Sau mỗi năm, hiệu quả kinh tế vụ sau cao hơn vụ trước, đến năm 2013, ông Trinh cùng một người bạn mua lại phần đất 2ha của Nông trường Bắc Sơn để tiếp tục cải tạo và trồng bưởi các loại, cam Vinh, ổi đường, nhãn...

Theo ông Trinh, trồng cây ăn quả không quá nặng nhọc nhưng lại nhiều việc như: làm cỏ, vun gốc, bón phân, theo dõi sâu bệnh... Để đảm bảo được năng suất, chất lượng cao thì ngoài việc xử lý ra hoa, vấn đề quản lý sâu bệnh hại cũng quan trọng không kém. Trên cây cam, bưởi thường xuất hiện những loại sâu bệnh gây hại phổ biến ở giai đoạn chồi non như nhện đỏ, sâu vẽ bùa, do vậy, sau mỗi lần thu hoạch, cần cắt tỉa cành cho thông thoáng, tưới nước, bón phân thúc đẩy cây nảy mầm tập trung.

Nhận xét về ông trinh, ông Hoàng Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Minh Đức cho biết: Ông Trinh là một trong những người tiên phong trong việc đưa các loại cây ăn quả về trồng tại xã Minh Đức. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ cây con giống cho các hộ dân xung quanh để phát triển kinh tế.

Với cành, nhánh bị sâu hại quá nhiều, có thể cắt bỏ để tiêu hủy và ngăn chặn nguồn bệnh lây lan cả vườn. Ngoài ra, ông Trinh còn sử dụng toàn bộ nước ngầm được lấy ở độ sau 8,5m để tưới cho cây hằng ngày. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và đảm bảo cách ly 15-20 ngày mới thu hái và mang đi tiêu thụ.

Từ những cách làm trên, sản phẩm của gia đình ông làm ra luôn đảm bảo chất lượng, được người dân tin tưởng, thương lái ở Hà Nội, Hưng Yên đến tận vườn thu mua. Hiện nay, với diện tích hơn 3ha cây ăn quả, bình quân mỗi năm, ông thu nhập khoảng 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Bên cạnh đó, mô hình còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trinh cho biết thêm: Đến nay dù kinh nghiệm đã có nhiều hơn, song đôi khi không thuận lợi, hàng tấn cam, bưởi rụng đầy gốc khiến tôi nản lòng. Tuy nhiên, đã gắn bó và chọn cách làm giàu từ mô hình này, tôi luôn cố gắng làm thật tốt và tin tưởng đất sẽ không phụ công người.

Đến nay, tại xóm Thuận Đức 3 đã có khoảng 50 hộ dân trồng các loại cây ăn quả với diện tích hàng chục hecta, mang lại hiệu quả kinh tế khá. Với một xã thuần nông như Minh Đức thì mô hình trồng cây ăn quả tổng hợp của gia đình ông Trinh cần được tiếp tục nhân rộng hơn nữa nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Trịnh Phương