Huyện Sông Mã nằm cách trung tâm TP. Sơn La khoảng 100km về phía Tây Nam, tiếp giáp với huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào).
Những năm gần đây, kinh tế của huyện Sông Mã luôn tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Kết cấu hạ tầng nông thôn đã có nhiều tiến bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Để hiểu rõ hơn về những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xã hội của huyện Sông Mã, phóng viên Báo Nông thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt/Điện tử Trang Trại Việt (PV) đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.
Phóng viên: Thưa ông, công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện thời gian qua đã được triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Hải: Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sông Mã đã ban hành Nghị quyết số 05 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, UBND huyện Sông Mã ban hành nhiều văn bản về công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Riêng trong năm 20204, Đoàn công tác của huyện đã làm việc với Ban chỉ đạo nông thôn mới xã Mường Hung, xã Chiềng Khương kiểm tra tiến độ xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024 và xã nông thôn mới nâng cao năm 2025. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện hướng dẫn xã Mường Hung về trình tự hồ sơ minh chứng xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.
Đến thời điểm này, huyện Sông Mã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới là các xã Chiềng Khương, Chiềng Sơ Mường Lầm, Mường Sai; xã Mường Hung đạt 19/19 tiêu chí đang lập hồ sơ minh chứng trình UBND tỉnh xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024; 13 xã đạt 11 - 18 tiêu chí; bình quân tiêu chí đạt 14,2 tiêu chí/xã. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao tại Chiềng Khương đạt 14/19 tiêu chí.
Phóng viên: Vậy ông đánh giá như thế nào về kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Tiến Hải: Đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo các xã, bản đã có nhiều thay đổi, đời sống, vật chất của người dân được nâng lên, thiết chế văn hoá, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang.
Công tác xây dựng nông thôn mới đã và đang trở thành phong trào quần chúng sôi nổi và tương đối đều khắp trong toàn huyện; bộ máy chỉ đạo thực hiện từ huyện đến cơ sở được tổ chức thống nhất, đồng bộ. Nhận thức về chương trình của cấp ủy, chính quyền đến người dân được nâng cao, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội có chuyển biến rõ rệt.
Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị của huyện đã chủ động phối hợp tuyên truyền tới cán bộ, hội viên, đoàn viên và Nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Sông Mã gặp không ít những khó khăn, ngân sách của Trung ương, tỉnh phân bổ về cho địa phương còn hạn chế, đặc biệt là liên quan đến đầu tư các công trình đường giao thông nông thôn.
Nhiều bản ở xa trung tâm xã từ 10-15km nên cần nguồn lực rất lớn. Trong khí đó, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, còn lại nhân dân phải đóng góp, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới còn cao dẫn tới khó thực hiện.
Phóng viên: Thưa ông, thời gian tới huyện Sông Mã có những giải pháp gì để triển khai xây dựng nông thôn mới hiệu quả?
Ông Nguyễn Tiến Hải: Cuối năm 2025, huyện Sông Mã sẽ xây dựng xã Chiềng Khương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Giai đoạn 2025-2030, huyện Sông Mã dồn lực phấn đấu 3 xã gồm: Huổi Một, Chiềng Cang, Chiềng Khoong về đích nông thôn mới. Đây cũng là những xã nằm trục quốc lộ 4G có điều kiện thuận lợi hơn về phát triển kinh tế, xã hội. Đối với các xã khác sẽ phấn đấu đạt từ 1-2 tiêu chí.
Để làm được điều này, huyện Sông Mã sẽ tiếp tục rà soát và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong Chương trình thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tận dụng tối đa và đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện chương trình, gắn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Chương trình giảm nghèo bền vững.
Huy động nguồn lực xã hội hóa, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ khác để tập trung đầu tư có trọng điểm, trọng tâm, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu từng bước hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Đưa nội dung xây dựng nông thôn mới trở thành nhiệm vụ chính trị của địa phương và các cơ quan có liên quan; củng cố kiện toàn Ban quản lý xã, các Ban phát triển và Ban giám sát cộng đồng ở các bản. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp, đặc biệt cán bộ ở xã, bản...
Đặc biệt là phát huy vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên, già làng, người có uy tín, trưởng bản tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, góp công, góp sức, huy động nguồn lực triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa và các công trình hạ tầng kinh tế xã hội khác.
Làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, chú trọng các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với kết nối tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn...
Phóng viên: Sông Mã được đánh giá là một trong những điểm sáng về phát triển nông nghiệp của tỉnh Sơn La, điển nhấn là phát triển vùng trồng cây ăn quả... Xin ông cho biết UBND huyện Sông Mã đã có những giải pháp gì để giúp bà con nhân dân ?
Ông Nguyễn Tiến Hải: Đối với huyện Sông Mã để nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thế mạnh của huyện vẫn là phát triển nông nghiệp, do vậy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cùng các xã đưa các loại giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao về cho bà con trồng. Từ đó, người dân, các HTX đã có những cây trồng hiệu quả, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Sông Mã luôn được biết đến là vùng trồng nhãn có diện tích lớn nhất toàn tỉnh, xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ nhãn hằng năm, sản lượng đạt trên 70.000 tấn quả tươi. Ngoài sản phẩm bán quả tươi, người dân, các HTX đã triển khai thực hiện chế biến long nhãn.
Đồng thời, huyện Sông Mã đã đề xuất và được UBND tỉnh Sơn La hỗ trợ xây dựng các lò sơ chế long nhãn, với gần 3.000 lò sơ chế. Đây là một trong những công nghệ mới được áp dụng cho các hộ gia đình cũng như HTX, góp phần sơ chế long nhãn tại chỗ. Hiện nay, thị trường tiêu thụ long nhã đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan.
Ngoài sơ chế long nhãn tại địa phương, huyện Sông Mã cũng góp một phần tiêu thụ nhãn tươi để sơ chế long nhãn cho các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La... tạo thành sản phẩm long nhãn xuất khẩu ra thị trường thế giới. Cùng với đó, đã góp một phần rất lớn trong việc tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, tăng thu nhập.
Huyện Sông Mã tiếp tục tuyên truyền bà con nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, đưa giống mới, giống lai có năng suất cao, chất lượng tốt vào trồng. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong nông nghiệp.
Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng dẫn chăm sóc vườn cây ăn quả, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm an toàn...