dd/mm/yyyy

Lai Châu: Về Tân Uyên xem người Mông thi giã bánh giầy

Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Tân Uyên (Lai Châu) diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc, trong đó hấp dẫn nhất phải kể đến phần thi giã bánh giầy của đồng bào dân tộc Mông. Đây là một trong những điểm nhấn của Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Tân Uyên.

Sôi nổi phần thi giã bánh giầy của đồng bào dân tộc Mông

Phần thi giã bánh giầy năm nay có sự tham gia của 5 đội thi, đến từ các xã, thị trấn có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đó là các xã Hố Mít, Trung Đồng, Mường Khoa, Phúc Khoa và thị trấn Tân Uyên.

Mỗi đội thi có 4 người, gồm 2 nam và 2 nữ, trong đó đàn ông phụ trách giã bánh, còn phụ nữ đảm nhiệm việc nặn và trang trí bánh. Tham gia thi giã bánh giầy, thành viên các đội thi, ai cũng hăng hái và cố gắng thể hiện tốt nhất phần thi của đội mình.

Clip: Về Tân Uyên xem người Mông giã bánh giầy

Chia sẻ với phóng viên, anh Hờ A Của, ở xã Hố Mít (huyện Tân Uyên, Lai Châu) vui vẻ nói: Tôi rất vui khi được lựa chọn cùng các thành viên trong đội tham gia phần thi giã bánh giầy. Ở phần thi này, chúng tôi cùng các đội bạn trổ tài kỹ năng làm bánh truyền thống của dân tộc. Tục lệ giã bánh giầy đã gắn liền với cuộc sống của chúng tôi từ xa xưa và được lưu truyền cho tới tận ngày nay.

Theo quy định của ban tổ chức, các đội thi sẽ phải chuẩn bị một chiếc cối và chiếc chày được làm bằng gỗ cùng với lá chuối, mâm mây và một số dụng cụ cần thiết khác. Trong thời gian 30 phút, mỗi đội sẽ giã bánh và nặn bánh thành 2 mâm, mỗi mâm 10 chiếc bánh, từ 10kg xôi đồ sẵn.

Lai Châu: Về Tân Uyên xem người Mông thi giã bánh dày - Ảnh 2.

Phần thi giã bánh giầy tại Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Tân Uyên. (Ảnh: Tuấn Hùng)

Yêu cầu bánh đủ tiêu chuẩn phải được giã nhuyễn, dẻo, tròn đều, đường kính từ 13 – 15cm, độ dày từ 3 – 5cm. Ban giám khảo gồm những người có uy tín, nghệ nhân, cán bộ xã, là những người có nhiều kinh nghiệm giã bánh giầy, chấm điểm dựa vào những tiêu chuẩn như dụng cụ, số lượng bánh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng, hình thức bánh, thời gian thi đấu, cách trang trí và trang phục của người giã và nặn bánh.

Giã bánh giầy - Nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông

Các đội tham gia thi giã bánh giầy có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Các thành viên được lựa chọn là những người đàn ông và thanh niên khỏe mạnh có nhiều kinh nghiệm, những người phụ nữ có bàn tay khéo léo để tham gia giã bánh, nặn bánh. Theo quan sát của phóng viên, thành viên các đội phối hợp nhịp nhàng ở tất cả các công đoạn, từ giã bánh, nặn bánh cho đến trưng bày. Các đội thi đều hoàn thành phần thi theo đúng quy định của ban tổ chức.

Lai Châu: Về Tân Uyên xem người Mông thi giã bánh dày - Ảnh 3.

Phần thi giã bánh giầy thu hút đông đảo người dân tới xem và cổ vũ. (Ảnh: Tuấn Hùng)

Hoàn thành tốt các công đoạn, bánh giầy làm vừa đẹp vừa ngon lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đội thi của xã Mường Khoa đã giành giải nhất phần thi giã bánh giầy. Ông Nguyễn Nam Sang, thành viên Ban Tổ chức Hội thi giã bánh giầy huyện Tân Uyên, hồ hởi cho biết: Hội thi giã bánh giầy được chúng tôi tổ chức hàng năm vào dịp Tết Độc lập. Ngày hội năm nào cũng thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc trong huyện đến xem và cổ vũ. Sôi nổi, hào hứng nhất phải kể đến phần thi giã bánh giầy của đồng bào dân tộc Mông. Đây là một trong những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Tân Uyên.

Phần thi giã bánh giầy tại Ngày hội Văn hóa, thể thao huyện Tân Uyên diễn ra vui nhộn, thu hút được đông đảo nhân dân quanh vùng và du khách tới tham gia trải nghiệm, khám phá. Hội thi thể hiện được tình yêu lao động thể hiện tinh thần đoàn kết, những nỗ lực của bà con trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.


Thanh Ngân - Tuấn Hùng