dd/mm/yyyy

Lạ kỳ cách chăn nuôi đục lỗ trên thân bò

Một trong những kỹ thuật chăn nuôi bò phổ biến nhất trong các trang trại, đó là đục lỗ trên thân bò, cừu... Tại sao phải làm như vậy, và liệu nó có cần thiết hay không?

Paul McCartney đã từng nói: "Nếu tất cả những lò mổ đều có tường làm bằng kính, thì cả nhân loại sẽ đều ăn chay."

Không chỉ riêng với mục đích lấy thịt, ngành công nghiệp kinh doanh trên động vật nói chung đều có một kịch bản: Những con vật được "nuôi" sẽ phải chịu đủ mọi loại đau đớn, hành hạ miễn sao chúng cho ra thành phẩm tốt nhất – vậy là đủ.

Chúng ta đã chứng kiến nhiều lần con người tàn nhẫn với các loài vật khác để đạt được lợi ích cho riêng mình. Nếu sự thật rơi nước mắt về cuộc đời của một chú bò công nghiệp, khung cảnh đáng sợ đằng sau các rạp xiếc thú... vẫn chưa đủ, thì đây: con người đang làm những điều đáng sợ đến thế này nữa:

Đúng thế, bạn không nhìn nhầm đâu. Người ta đục lỗ trên thân bò, và nong nó thành một cái lỗ, gọi là các ống thông. Các ống này thông thẳng vào dạ dày của chúng, bình thường sẽ có nắp đậy kín và chỉ mở ra khi cần thiết. Vậy các ống này là gì, tại sao người ta tạo ra chúng?

Kỹ thuật chăn nuôi bò bằng cách tạo ống thông

Mặc dù được ít người biết đến, kỹ thuật này đã ra đời từ khá lâu. Tất cả bắt đầu vào năm 1822, một bệnh nhân người Canada mặc dù bị chấn thương rách sâu ở phần bụng và vết thương không liền lại, ông vẫn sống sót một cách kì diệu, thậm chí còn sống rất khỏe mạnh.

Nhận ra điều này có thể tương tự với các loài vật khác, một bác sĩ người Mỹ đã chế tạo ra kỹ thuật ống thông, với hy vọng nó có thể cho phép chúng ta quan sát – thậm chí kiểm soát được các chất trong dạ dày của vật nuôi một cách trực tiếp.

Trong suốt 11 năm sau đó, rất nhiều tài liệu về chủ đề này được nghiên cứu và công bố. Vào thập niên 20 của thế kỉ XX, những ống thông này được đón nhận rộng rãi ở các trang trại nuôi thú lấy thịt và sữa. Bò, dê, cừu,… và các loài nhai lại nói chung khi được nuôi với mục đích kinh tế - đều có thể áp dụng kỹ thuật này. Trong đó ứng dụng trong chăn nuôi bò là loài phổ biến nhất.

Hiện nay, chi phí cho một ca lắp ống thông là vào khoảng 300 USD/con và các ống này gần như có thể theo những chú bò suốt đời mà không cần thay thế hay lắp lại.

Vậy rốt cục kết quả đem lại có đáng không?

Đối với những người trong ngành chăn nuôi, câu trả lời là có. Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cũng như số lượng thịt và sữa sản xuất ra.

Nếu có thể kiểm soát các khí, men, vi sinh vật, độ pH, lượng thức ăn… trong dạ dày gia súc, thì còn gì có thể tuyệt vời hơn thế nữa?

Người ta có thể bơm thêm dưỡng chất hoặc thuốc men, lấy ra những chất thừa, quan sát và xét nghiệm môi trường dạ dày…

Bằng chuyên môn của mình, các chuyên gia sẽ giữ cho chế độ dinh dưỡng của gia súc luôn ở mức tốt nhất và vì thế, lợi nhuận đem lại cũng tăng theo.

Bên cạnh đó, chúng cũng được đem tới các trường thú y để sinh viên quan sát và học tập.

Một sinh viên đang nghiên cứu sự hoạt động của dạ dày bò.

Tuy nhiên, mặt trái khiến nhiều chuyên gia động vật quan tâm: Đó là số phận đau khổ của những sinh vật bị đục lỗ.

Số ít trường hợp sẽ bị nhiễm trùng và chết – nhưng không sao cả, chúng sẽ được đưa đến lò mổ và thiệt hại này coi như đã được bù đắp bằng khoản tiền thu được từ thịt của chúng.

Theo chia sẻ của các nhân viên trang trại, lỗ thông cũng giống như một loại khuyên vậy. Tương tự như cái nong tai của chúng ta, những chú bò sẽ không gặp phải bất kỳ nguy hiểm nào cả.

Vòng đời của chúng được cho là không bị ảnh hưởng bởi dụng cụ đặc biệt này. Và mặc dù quy trình phẫu thuật trông có vẻ đau đớn, nhưng các bác sĩ sẽ đảm bảo cho vết mổ lành kín miệng ống (tất nhiên, quá trình lành bệnh sẽ đau rồi).

Tuy vậy, nhiều người cho rằng dù quá trình "nong bụng" này có vẻ đau đớn, nhưng đó lại là kỹ thuật chăn nuôi bò hiệu quả nhất để chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bò, cừu... tại các trại chăn nuôi.

Vậy còn bạn, bạn nghĩ gì về điều này? Hãy để lại bình luận nhé!

Bill Cypher