dd/mm/yyyy

Kỹ sư nông nghiệp 'gác' bằng đại học lên núi chăn nuôi

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Thoong quyết định “gác bằng” rồi đem những kiến thức đã học ở giảng đường lên đỉnh núi làm trang trại, kiếm hàng trăm triệu mỗi năm.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Thoong quyết định “gác bằng” rồi đem những kiến thức đã học ở giảng đường lên đỉnh núi làm trang trại, kiếm hàng trăm triệu mỗi năm.

Xế trưa, anh Vi Văn Thoong (33 tuổi, trú tại bản Piêng Lau, xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đảo một vòng kiểm tra đàn trâu, bò trong trang trại của mình, rồi mang ít muối trắng cho chúng ăn. “Ở đây thiếu muối, nên mình phải bổ sung thêm cho trâu bò ăn thì nó mới khoẻ được”, anh Thoong nói.

Ngước nhìn xa xa về phía cánh rừng kéo dài bất tận, anh Thoong cho biết, năm 2013, anh tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp. Cầm tấm bằng tốt nghiệp trở về quê nhà, chàng trai trẻ quyết tâm trở thành một cán bộ, công chức để hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp, xoá đói giảm nghèo.

Kỹ sư nông nghiệp 'gác' bằng đại học lên núi chăn nuôi - Ảnh 1.

Anh Thoong thường xuyên kiểm tra sức khoẻ của đàn trâu bò mỗi ngày để phòng dịch bệnh

Ròng rã 2 năm chờ đợi nhưng không thành, anh Thoong quyết định tìm hướng đi mới cho bản thân. “Tôi muốn kiếm tiền ngay trên chính quê hương của mình, chứ không muốn đi đâu xa”, anh Thoong nói.

“Khi cưới vợ, được hai bên nội ngoại tặng cho một cặp trâu bò. Từ đó, tôi quyết định xây dựng mô hình kinh tế từ cặp trâu bò giống này. Vì đã có kiến thức về chăn nuôi nên cũng thuận lợi, đến nay đã cho thu nhập đều đặn”, anh Thoong chia sẻ.

Từ trung tâm xã, Vi Văn Thoong phải mất gần 3 giờ vượt đèo, lội suối mới đến được với khu vực lán trại của mình. Để chủ động cung cấp nguồn thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm của mình, anh Thoong quy hoạch hơn 1 hecta dọc theo con suối để trồng lúa. Ngoài những con vật, cây trồng chủ lực, anh cũng chăn nuôi thêm nhiều gà, ngan, cá… trong trang trại với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.

Kỹ sư nông nghiệp 'gác' bằng đại học lên núi chăn nuôi - Ảnh 2.

Trang trại tổng hợp rộng 25ha của anh Thoong nằm sâu trong rừng, cách trung tâm xã 3 giờ đi bộ

Sau hơn 5 năm “cày cuốc”, trang trại tổng hợp rộng 25 hecta nằm khuất trong rừng sâu của anh Thoong đã có 40 con trâu bò, 7.000 cây xoan, cùng nhiều ngan, gà, vịt, cá… Mỗi năm, trang trại cho anh Thoong thu nhập 200 triệu đồng.

“Có học mới biết được cách chọn con giống, hạt giống, cải tạo đất, trồng cỏ làm thức ăn cho bò, rồi tiêm phòng các loại dịch bệnh. Cũng từ đó, đàn trâu, bò của tôi phát triển ổn định, dù các vùng khác có dịch nhưng ở trang trại tôi vẫn ổn định”, anh Thoong thông tin.

Chàng trai trẻ cười nói thêm “đầu năm đến nay mình đã xuất bán được 5 con trâu, giá 45 triệu mỗi con”. Để có được như ngày hôm nay, anh Thoong cho hay, ngoài kiến thức về chăn nuôi, bản thân cũng cần phải chịu khó, chịu khổ và kiên trì trong thời gian dài.

Kỹ sư nông nghiệp 'gác' bằng đại học lên núi chăn nuôi - Ảnh 3.

Anh Thoong bổ sung muối cho đàn gia súc của mình

Sau nhiều năm lao động, giờ anh Thoong đã tạo dựng được cho bản thân nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm khiến nhiều người dân địa phương ngỡ ngàng. Trước những nỗ lực không ngừng nghỉ đó, tại kỳ bầu cử Hội đồng Nhân dân xã vừa qua, anh Thoong được cử tri tin tưởng, tín nhiệm giới thiệu, bầu vào đại biểu Hội đồng nhân dân xã Na Loi, nhiệm kỳ 2021-2026.

Bà Hà - Chủ tịch UBND xã Na Loi cho biết, không những làm kinh tế giỏi mà anh Thoong còn là một Bí thư Chi đoàn bản Piêng Lau, một Đảng viên trẻ năng nổ, nhiệt tình. Chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết cũng luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những thanh niên trong bản phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.


Cảnh Huệ