Tiên Du thuộc khu vực đô thị lõi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang trong quá trình lập các đồ án quy hoạch (QH) phân khu để thực hiện đầu tư xây dựng các hệ thống hạ tầng khung. Việc triển khai nhiều khu chức năng lớn và các đồ án xây dựng Nông thôn mới đặt ra yêu cầu cần lập đồ án QH chung đô thị Lim và phụ cận (đô thị Tiên Du) đến năm 2035 nhằm đáp ứng tốc độ phát triển tại địa phương. Từ đó, làm cơ sở kết nối hạ tầng khung của huyện với các khu vực lân cận, bảo đảm sự phát triển lâu dài và đúng định hướng của tỉnh.
Theo các chuyên gia quy hoạch, đồ án QH chung đô thị Tiên Du đến năm 2035 được lập trên cơ sở phân tích, đánh giá các điều kiện về tự nhiên, hiện trạng phát triển, các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện và lồng ghép các xu hướng QH đô thị mới để tìm ra các vấn đề cần điều chỉnh, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ QH.
Đặc biệt, đồ án đã xác định phạm vi phát triển đô thị qua từng giai đoạn để đề xuất các định hướng nhằm cụ thể hóa mục tiêu nâng loại đô thị, phát triển trở thành thị xã trong giai đoạn ngắn hạn và hướng tới trở thành Quận trong tương lai. Đô thị Tiên Du bao gồm toàn bộ 14 đơn vị hành chính cấp xã và thị trấn với diện tích 9.560,25 ha.
Trong đó, giai đoạn trước năm 2025 gồm 10 xã nội thị (Lim, Phú Lâm, Nội Duệ, Liên Bão, Hoàn Sơn, Đại Đồng, Lạc Vệ, Tân Chi, Việt Đoàn và Phật Tích), 4 xã ngoại thị (Hiên Vân, Tri Phương, Minh Đạo và Cảnh Hưng); giai đoạn năm 2025-2030, toàn bộ 14 đơn vị hành chính là nội thị để đáp ứng tiêu chí trở thành Quận.
Về tính chất quy hoạch, ngoài việc là một đô thị phát triển bền vững theo định hướng trở thành vệ tinh của đô thị Bắc Ninh, khu vực QH còn là trung tâm của huyện Tiên Du.
Các nhà hoạch định cho rằng, Tiên Du với những điều kiện thuận lợi về vị trí, hệ thống giao thông, giàu tiềm năng đất đai và nhiều di tích lịch sử, văn hóa…được kỳ vọng là đô thị phát triển công nghiệp, dịch vụ của tỉnh (công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ; phát triển dịch vụ vận tải - Logistics, cảng cạn ICD gắn với hành lang đường ĐT.276).
Đồng thời, là đô thị văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh, đô thị xanh; trung tâm cấp vùng Thủ đô về giáo dục - đào tạo; một trong những điểm “du lịch văn hóa và sinh thái”, vui chơi giải trí trên hành lang du lịch văn hóa - tâm linh sông Đuống.
Về mặt tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan và khu chức năng đô thị, đô thị Tiên Du phát triển theo mô hình cấu trúc “Trọng tâm hình thái nén”, gồm 2 hành lang tạo động lực phát triển: Hành lang Đông Tây (theo các tuyến ĐT.287, ĐT.295C); hành lang Bắc Nam (theo các tuyến ĐT.276, tuyến đường Minh Đạo - Phú Lâm).
Từ đó, hình thành các trọng tâm phát triển cho đô thị Tiên Du gồm: Đô thị; Du lịch sinh thái - tâm linh; Nghiên cứu đào tạo; Công nghiệp - dịch vụ; Nông nghiệp công nghệ cao. Thiết lập 2 vành đai xanh dọc sông Đuống, Ngũ Huyện Khê để đưa đô thị gắn bó chặt chẽ với hệ sinh thái cảnh quan tự nhiên sẵn có, đồng thời khai thác tối đa điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch, dịch vụ.
Trong quá trình lập đồ án, ngành chức năng, địa phương và đơn vị tư vấn cập nhật và điều chỉnh các QH: Khu đô thị, du lịch, sinh thái, văn hoá, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí trên địa bàn huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn; Khu CN- TT tập trung Bắc Ninh…
Qua đó, đề xuất các dự án chiến lược nhằm thu hút đầu tư xây dựng để phát triển và nâng cấp thành thị xã Tiên Du trước năm 2025. Trước mắt, để tạo các trục động lực và cảnh quan trọng yếu cho đô thị, cần mở rộng các trục giao thông ĐT.276, ĐT.287 và xây dựng mới tuyến ĐT.295C, tuyến đường Minh Đạo - Phú Lâm (đoạn từ phường Khắc Niệm thành phố Bắc Ninh đi Phú Lâm).
Đây là cơ sở để hình thành diện mạo mới cho trung tâm đô thị Tiên Du thông qua các dự án đầu tư xây dựng các khu chức năng; chỉnh trang xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội cho các đơn vị hành chính dự kiến phát triển thành phường…
Đồ án QH chung đô thị Tiên Du đến năm 2035 nhằm xây dựng đô thị Tiên Du phát triển toàn diện, có vai trò chia sẻ, giảm áp lực cho đô thị Bắc Ninh và vùng Thủ đô.
Tuy nhiên, cùng với việc phát huy nội lực, huyện kiến nghị tỉnh sớm có kế hoạch đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, xã hội thiết yếu, tạo điều kiện hình thành các khu chức năng cấp thị xã. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ cho địa phương khớp nối các QH, phát huy tiềm năng và thu hút dự án đầu tư phát triển theo định hướng QH.