Cây duối kỳ lạ nói trên nằm ở khu du lịch vườn chim Thung Nham (xã Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình). Theo truyền thuyết, vua Đinh Tiên Hoàng trong lúc đi tuần quanh kinh đô Hoa Lư đã sai quân lính trồng cây này ngay trên một tảng đá tại Thung Nham. Qua thời gian, cây sinh trưởng tốt và tồn tại 1.000 năm qua.
Cây duối cổ có dáng rất độc lạ giống với “bàn tay phật” bởi thân chính và 3 thân phụ khác của cây mọc thẳng đứng nằm cạnh nhau như 4 ngón của bàn tay khi được chắp lại. Còn một nhánh mọc xiên và nghiêng về hướng khác (tượng trưng ngón trỏ lệch ra).
Theo chị Phạm Lan Hương, nhân viên của vườn chim Thung Nham, từ khi được phát hiện đến nay dáng “bàn tay phật” của cây duối vẫn được giữ nguyên. Những người thợ tỉa cây của đơn vị quản lý chỉ tỉa tán lá cho gọn lại chứ không hề tạo thế cho cây duối này.
Theo quan niệm của người Việt Nam, thế cây này có nghĩa là “Ngũ Phúc”: Trường thọ, Phú quý, Khang Ninh, Hiếu Đức và Thiện Chung. Ngoài ra, dáng của cây duối nhìn theo hướng khác còn có nghĩa là “Phụ tử”: Tình cảm của người cha dành cho các con (thân cây chính cao thẳng, to lớn che chở cho các thân cây con).
Để xác định tuổi đời của cây, các nhà chuyên môn về sinh vật cảnh trong nước đã về đây thẩm định và cho biết cây duối này có niên đại 1.000 năm tuổi. Trải qua 10 thế kỷ, cây duối vẫn xanh tốt và bám rễ chặt vào tảng đá.
Mới nhìn, không thể phát hiện đâu là rễ và thân cây duối, đâu là tảng đá vì có sự gắn kết rất chặt chẽ. Màu thân và rễ cây theo thời gian cũng giống với màu của tảng đá. Người dân địa phương cho hay, cây duối này mang trong mình giá trị lịch sử lâu đời gắn liền với câu chuyện về vua Đinh Tiên Hoàng – người có công khai quốc công thần vùng đất Hoa Lư này nên ai cũng quý cây.
Cây duối có hoa từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, quả vàng to bằng hạt ngô. Thông thường, các cây duối thường được trồng ở các đình, đền chùa để lấy bóng mát, trồng trong vườn làm cảnh. Cây duối này lại mọc giữa núi rừng Thung Nham và tồn tại hơn 1.000 năm qua nên rất đặc biệt.
Theo quan niệm, cây duối là một loại cây cổ thụ sống trường tồn luôn xanh tốt, trái cây màu vàng , là loại cây ban tài phát lộc, xua đuổi tà ma mang đến sự may mắn. Việc cây duối trường tồn như là ý trời, muốn ban nhà vua sống trường thọ với nước Đại Cồ Việt để ban tài phát lộc cho nhân dân ấm no.
Người dân địa phương rỉ tai nhau, khi đến thăm cây duối ngàn năm giống như đến viếng nhà vua và sẽ được “thập toàn thập mỹ”: may mắn tốt lành, nhiều lộc, nhiều ruộng đất, sống an nhàn trăm tuổi.
Vì là cây có nhiều ý nghĩa tâm linh nên người dân địa phương rất chăm sóc và bảo vệ. Người dân địa phương kể, xưa kia có người đến định chiết và cưa trộm một nhánh cây về trồng, tuy nhiên cưa mãi nhưng phần thân này không đứt được mà lưỡi cưa bị gãy, người này sau gặp tai họa, vết cắt này hiện vẫn còn lưu lại trên thân cây. Từ đó không ai dám xâm hại đến cây duối này nữa.
Thân cây mọc trên một tảng đá lớn thể hiện ý chí kiên cường, sức sống mãnh liệt như chính là điều mà nhà vua muốn nhắn nhủ tới người dân trăm họ. Nơi lớn nhất của thân cây có đường kính rộng hơn 1m, có nhiều chỗ sần sùi bị rêu phủ bám xung quanh.
Nhiều người trong giới bon sai cây cảnh đến tham quan và đánh giá, đây là cây duối là có dáng thế đẹp độc nhất vô nhị tại Việt Nam.
Có tuổi đời già cỗi, hiện một số cành trên thân cây đã bị mục. Tuy nhiên, thay vào đó xung quanh thân cây mỗi năm lại mọc thêm nhiều cành khác thể hiện sức sống trường tồn, mãnh liệt.
Cây duối quanh năm xanh lá, phủ bóng mát và điểm đặc biệt là người ta không bao giờ thấy cây rụng lá.
Mỗi ngày có hàng trăm người đến tham quan cây duối cổ “độc nhất vô nhị” này.