dd/mm/yyyy

Kinh tế vườn, liên kết cùng thắng

Liên kết trong phát triển kinh tế vườn sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn. Đó là khẳng định của nhiều nông dân tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề: Liên kết trong phát triển kinh tế vườn, cơ hội, thách thức và giải pháp” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Hà Giang ngày 8-9.11.2018.

Vào HTX, lợi đủ đường

Anh Hoàng Quyết Thắng, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cho biết, anh đang là giám đốc Hợp tác xã cam VietGAP. Đây là một trong số HTX thành lập điểm đầu tiên ở vùng trồng cam của tỉnh, có tổng số 16 thành viên, sản xuất ở 4 thôn trong xã Vĩnh Hảo; tổng diện tích cam là 86 ha; bình quân 5,3 ha/thành viên.

Hà Giang hiện có 59 hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cam sành. I.T
Hà Giang hiện có 59 hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cam sành. I.T

“Từ khi tham gia HTX gia đình tôi và các hộ khác được các cấp, ngành quan tâm giúp đỡ phát triển sản xuất; định kỳ 3 – 4 tháng được cán bộ khuyến nông của huyện, xã tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cam, đặc biệt là được cán bộ nông nghiệp kiểm tra hướng dẫn khá thường xuyên để thực hiện quy trình sản xuất cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP, những diện tích cam đạt tiêu chuẩn VietGAP chất lượng tăng lên rõ rệt, cây phát triển tốt,rất ít sâu bệnh, năng suất cam tăng từ 120 - 130%, mẫu mã quả to, đẹp và khá đồng đều” – anh Thắng cho biết.

Về tiêu thụ cam, trước vụ thu hoạchhàng năm các thành viên HTX tổ chức họp bàn giải pháp phối hợp và hỗ trợ tiêu thụ cam đạt hiệu quả, như phổ biến thông tin về giá bán cam trên thị trường, chắp nối địa chỉ thương lái, điều tiết thu hoạch và bán cam của các thành viên Hợp tác xã cho phù hợp.

Đến nay, toàn tỉnh Hà Giang đã thành lập được 59 hợp tác xã (HTX), tổ sản xuất cam Sành theo quy trình VietGAP với 2.756,1 ha chiếm 32,9% diện tích cam toàn tỉnh với tổng sản lượng khoảng 32.500 tấn, chiếm 65% tổng sản lượng cam toàn tỉnh và gần 2.500 hộ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó có một số mô hình liên kết điển hình trong phát triển cam sành theo VietGAP như: HTX cam VietGAP Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang có 82ha với 16 hộ tham gia; Tổ sản xuất cam VietGAP thôn Vĩnh Sơn, Vĩnh Chính, xã Vĩnh Hảo có 94,1ha với 39 hộ tham gia; HTX cam sạch Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang 312ha với 18 hộ tham gia; HTX cam VietGAP Xuân Khu, xã Yên Hà, huyện Quang Bình 52,5ha với 29 hộ tham gia…

Khi tham gia HTX, tổ hợp tác các hộ nông dân dễ dàng tiếp cận với các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài như các chương trình dự án như: Mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu - Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới WB7; Chiến lược phát triển chuỗi giá trị cam sành Hà Giang - Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh Hà Giang…, đồng thời được cán bộ khuyến nông các cấp thường xuyên hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng và thâm canh cam theo quy trình VietGAP bằng phương pháp cầm tay chỉ việc.

Theo điều tra xây dựng kế hoạch chiến lược chuỗi giá trị cam Hà Giang khi thực hiện mô hình HTX, tổ hợp tác sản xuất cam theo quy trình VietGAP năng suất cam đạt 183 tạ/ha tăng 98 tạ/ha so với các hộ trồng theo phương thức truyền thống.

Nở rộ mô hình

Tại Tuyên Quang, các mô hình liên kết cũng mang lại hiệu quả cao. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn hộ tham gia mô hình phát triển kinh tế vườn, đồi với các mô hình sản xuất nông lâm tổng hợp đa dạng cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình như mô hình phát triển kinh tế tổng hợp (trồng: keo, bưởi kết hợp với chăn nuôi lợn thịt) tại hộ gia đình anh Nguyễn Tiến Lâm, xóm 1, xã Lang Quán, huyện Yên Sơn quy mô 2 ha cây keo lai, 1.000 gốc bưởi diễn và chăn nuôi lợn sau khi trừ chi phí thu về từ 400 - 450 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm ổn định cho 05 lao động tại địa phương.

Mô hình phát triển kinh tế trang trại tổng hợp của hộ gia đình ông Nguyễn Thành Hưng, thôn An Thịnh, xã Nhữ Hán, huyện Yên Sơn, quy mô 1.400 con gà đẻ, 16 con bò, 300 cây bưởi, 100 cây na và 3.000 m2 cỏ VA06; mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Mô hình trồng cam tại hộ gia đình ông Mai Văn Trấn, thôn Nậm Nương, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang quy mô 1.500 gốc cam, sản lượng hàng năm đạt 170 tấn. Sau khi bán hết cam, gia đình ông thu về 1,4-1,6 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí thu lãi từ 1-1,3 tỷ đồng; không chỉ gia đình ông Trấn mà trên địa bàn huyện Hàm Yên có hàng trăm hộ trồng cam có thu nhập từ 500 triệu đồng/năm trở lên.

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất. I.T
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất. I.T

Mô hình vườn cây “3 trong 1” trồng ổi, cây rau màu ngắn ngày xen cây cam Vinh của gia đình anh Nguyễn Văn Xuân thôn Bình Ca 1, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn có quy mô 0,7 ha đất vườn được chia đất ra làm 3 khu, trong đó dành riêng một khu đất với diện tích gần 0,4 ha, có lợi thế hơn trong việc tưới, tiêu nước để thiết kế vườn cây “3 trong 1”. Anh chia luống chọn giống cam Vinh làm cây lâu năm chính; giữa khoảng cách 2 cây cam, trồng xen ổi nhằm mục đích tăng thu nhập và xua đuổi rầy, đồng thời hạn chế việc lây truyền bệnh vàng lá do virus cho cây cam. Với khoảng đất trống còn lại hai bên rãnh luống, anh tính toán chọn loại cây rau màu ngắn ngày phù hợp với điều kiện không gian và thời vụ để trồng xen. Tổng thu nhập 160 triệu đồng/năm/0,4ha.

Mô hình trồng cây ăn quả của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Giàu, thôn Ao Dăm, xã Phúc Ninh, huyện Hàm Yên, quy mô 16 ha, trong đó có 10 ha bưởi Diễn, mỗi năm thu trên 10.000 quả bưởi cho thu nhập 2,1 tỉ đồng.

Mô hình phát triển kinh tế trang trại tổng hợp của hộ gia đình ông Linh Văn Giảng, thôn An Thịnh, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang; quy mô 0,6 ha cây ăn quả, 5,4 ha cây lâm nghiệp, 0,7 ha ao cá, 40 con lợn thịt, 20 con dê, 400 con gia cầm; tổng thu nhập năm 2017 là 865 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương; thu nhập bình quân của lao động là 4,2 triệu đồng/người/tháng.

Có một điểm chung của các mô hình này là đều tham gia các chuỗi liên kết nên hiệu quả kinh tế được khẳng định.

Bài, ảnh: Khánh Nguyên