Anh Quang đang cho lợn ăn tại trang trại nuôi lợn theo hướng hạnh phúc
“Trong sinh hoạt, những gì tôi được hưởng thì đám lợn cũng xứng đáng được hưởng theo”. Đó chính là tâm sự của người đấu tranh cho quyền lợi của con lợn nhằm hướng cho chúng đến một cuộc sống thoải mái, hạnh phúc hơn…
Anh kỹ sư nuôi lợn khác người
Người sở hữu trang trại lợn đặc biệt theo hướng hạnh phúc ấy là Nguyễn Thanh Quang ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội. Vốn xuất thân từ dân cơ khí, hoàn toàn ngoại đạo về nông nghiệp nên anh chỉ bật ra ý tưởng nuôi lợn trong một dịp tình cờ trò chuyện với người bạn vong niên là GS Nguyễn Lân Dũng. Ông Dũng khi đó kể cho anh nghe nỗi trăn trở về chuyện con ốc bươu vàng một thời từng được lầm lỡ tuyên truyền, lầm lỡ đưa vào chăn nuôi để rồi sau đó gây đại họa cho những cánh đồng.
Chúng tàn phá đủ loại cây trồng đặc biệt là lúa nhưng rất khó diệt trừ. Ốc vàng tràn lan đến nỗi giờ ở nhiều vùng quê, người dân thay vì ví von “nhiều như lợn con” bằng ví von “nhiều như ốc bươu vàng”. “Chỉ còn mỗi cách là thử dùng ốc bươu vàng để chế biến thức ăn cho lợn thì may ra mới có thể ngăn cản được tốc độ lây lan của chúng”.
Ý tưởng nảy ra trong đầu anh Quang. Ngay lập tức 4 chuyên gia về chăn nuôi, chuồng trại, thức ăn gia súc được ông Dũng vời về giúp. Họ “quần nhau” đúng 1 ngày thì anh vác 700 triệu đồng đi lập trại nuôi thử nghiệm 100 con lợn với thức ăn là ốc bươu vàng.
Thường thì thức ăn của lợn phần thô gồm có ngô, cám gạo, phần tinh có bột cá, bột huyết nhưng nay anh Quang thay phần tinh ấy bằng đạm của động vật ngoại lai: ốc bươu vàng. Đang từ chỗ phải mất công đổ bỏ, ốc bươu vàng kìn kìn được chở về để bán cho trại của anh với giá 5.000 đồng/kg.
Anh Quang giới thiệu về cách cho lợn ăn tảo xoắn
Ốc sau khi đập dập được đem vào lò bánh mì sấy rồi nghiền nhỏ ra thành bột để phối trộn với cám, ngô làm thức ăn cho lợn. Lứa đầu tiên thất bại gần như hoàn toàn. Lợn phát triển rất chậm đã đành mà lông còn xù lên như nhím, bì dầy cứng tựa áo giáp khiến cho cánh thợ ba toa phải kêu giời, kêu đất: “Lợn của bác da chẳng kém gì lợn rừng, chỉ cắm thêm hai cái lông nữa là xong, khó thịt quá”. Cũng còn một chút an ủi là thịt của chúng khá ngon và thơm.
Lại phải nghiên cứu để thay đổi công thức thức ăn bằng cách tăng tỷ lệ ruột ốc, loại bớt vỏ, bổ sung thêm giun quế để khắc phục tình trạng thừa can xi mà lại thiếu đạm. Như người dò đá bên dưới để vượt sông, anh Quang chia bầy lợn ra thành 5 đàn nhỏ với 5 khẩu phần ăn khác nhau rồi theo dõi sự sinh trưởng cũng như chất lượng thịt. Hễ đàn nào kém là loại bỏ.
Lợn nuôi kiểu này sau 6 tháng mới xuất chuồng được thay vì chỉ 4 tháng theo kiểu nuôi công nghiệp nhưng chất lượng thịt thơm ngon và an toàn hơn hẳn nên giá bán thịt hơi bao giờ cũng hơn khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Nuôi lợn theo hướng hạnh phúc
Tuy là dân cơ khí nhưng anh Quang lại rất mê âm nhạc cổ điển mà nhất là Chopin. Âm nhạc xoa dịu đi những ồn ào, vất vả, mưu toan của cuộc sống hiện đại. Người đã có tác dụng, lợn chắc cũng thế. Vậy là anh thử nghiệm cho chúng nghe nhạc cổ điển hàng ngày và quả thực cũng thấy chúng cũng ngoan hơn, bớt cục tính hơn.
Tình cờ một lần anh đi tham quan cơ sở sản xuất tảo xoắn - một sản phẩm đặc biệt với hàm lượng protein từ 56 - 77%, hàm lượng vitamin, khoáng chất cao và có tới khoảng 20 loại axit amin các loại. Bởi thế tảo xoắn là loại thực phẩm chức năng có công dụng chống lão hóa, tăng cường hệ miễn dịch rất tốt cho con người và có giá bán rất đắt. Hàng sản xuất trong nước 1 vỉ 10 viên cũng 150.000 đồng hay bán theo kg cũng là tiền triệu.
Tò mò quá nên anh Quang liền mua mấy vỉ để dùng thử. Chỉ trong vài tháng uống là anh có thể cảm nhận được cơ thể thay đổi rõ rệt, bệnh tật vặt vãnh liền bị thoái lui nên mới quyết định mua luôn để về bồi bổ cho… lợn.
Năng vận động nên những con lợn có thân hình rất đẹp
Cứ mỗi ngày người uống 2 viên thì lợn uống 1 viên. Lúc đầu thử nghiệm cho lợn ăn tảo biển trong suốt quá trình nuôi 6 tháng liền nhưng giá thành đội lên thành 10 triệu/con, khó bán nên sau đó mới rút ngắn xuống chỉ ăn trong khoảng 2 tháng đầu tiên.
Cho ăn bình thường lợn 6 tháng xuất chuồng, cho ăn tảo biển vẫn 6 tháng xuất chuồng một lần, chất lượng thịt cũng ít có sự thay đổi đáng kể tuy nhiên khả năng đề kháng của chúng lại gia tăng đáng kể. Lợn con vừa rời vú mẹ thường hay ốm yếu nhưng kể từ khi được uống tảo biển thì không phải sử dụng đến thuốc kháng sinh nữa.
Nói về chuyện kháng sinh, có lần một công nhân trong trại có đàn lợn đã thau tháu 50 - 60 kg/con nhưng vì điều kiện không thể nuôi thêm được mới nằn nì anh Quang mua giúp. Nuôi thêm 3 tháng nữa theo mô hình thức ăn sạch, không dùng thuốc kháng sinh nhưng đến khi xuất chuồng xét nghiệm thịt vẫn dính dư lượng, làm cho anh cạch đến tận giờ, chỉ dám nhập lợn giống 7 - 8kg về nuôi đến khi xuất bán.
Lợn là loài tham ăn nhưng khá nóng tính nhất là khi thấy đối thủ lạ trong chuồng sẽ chiến đấu đến khi phân thắng bại mới thôi. Bởi thế mà khi ghép chuồng với lợn lạ anh Quang thường chọn thời điểm buổi tối, vừa thả vào cái là đổ thức ăn xuống máng ngay để chúng sao lãng đối thủ. Con nào còn có ý vừa ăn vừa hăm he dọa nạt sẽ được quẳng cho một chiếc bao tải - thứ đồ chơi mà lũ lợn rất ưa thích được hũi hũi mõm vào, được lăn lê bò toài cọ xát.
Dù thường xuyên nghịch ngợm nhảy qua chuồng để dạo chơi bên ngoài nhưng chúng cũng không bị đánh mắng mà còn được chủ xoa đầu, vuốt cổ để làm dịu đi sự căng thẳng.
Ăn thức ăn chất lượng, tắm táp suốt ngày nên vào giữa chuồng lợn mà nhiều khi còn ngỡ ngàng vì quá sạch sẽ, quá ít mùi hôi. Hiện ngoài trại của mình anh Quang còn liên kết với trại của anh Đàm Ngọc Doanh gần đó chăn nuôi tổng cộng 700 con lợn để cung cấp hàng cho hệ thống các chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn tại Hà Nội…
Ở nơi những con lợn được nuôi theo hướng hạnh phúc, sống sướng như con người ấy anh Quang bảo rằng nhiều lúc chẳng muốn về nội thành nữa bởi: “Không khí trong lành, đồ ăn sạch sẽ, làm việc với nông dân thật thà chất phác nên đầu óc rất thoải mái, tối về ngủ ngon hệt như… lợn vậy”.