Theo bác sĩ nội tiết Li Aiguo (chuyên gia Khoa Nội tiết của Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật), rau củ là thực phẩm giúp ổn định đường huyết tốt nhất.
Lý do là bởi nhóm thực phẩm này chứa đầy chất xơ và chất chống oxy hóa, giúp làm chậm quá trình thải glucose trong máu và kiểm soát phản ứng insulin.
Rau củ cũng có chỉ số đường huyết thấp, do đó không gây tăng đường huyết đột ngột. Trong đó 4 loại rau được mệnh danh là "thuốc hạ đường huyết tự nhiên" mà bác sĩ chỉ ra là đậu bắp, rong biển, rau diếp, mướp đắng.
Ngược lại, nhóm rau củ giàu tinh bột, giàu muối lại được cảnh báo rằng không tốt cho bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường hoặc đang có chỉ số đường huyết cao.
Nhiều người cho rằng bị bệnh tiểu đường thì không nên ăn thịt, cứ ăn rau củ càng nhiều càng tốt.
Song, nhóm rau củ giàu tinh bột lại không cân bằng tinh bột với các chất dinh dưỡng khác, như chất xơ và vitamin... Điều đó thực sự gây hại cho bệnh nhân tiểu đường.
4 loại rau củ làm tăng lượng đường trong máu nhanh hơn ăn thịt
1. Khoai tây
Cả khoai lang và khoai tây đều được coi là một loại rau có tinh bột, lượng carbohydrate cao hơn hầu hết các loại rau khác.
Theo các nhà khoa học đến từ Đại học Surrey, Anh, sau khi ăn khoai tây, cơ thể sẽ phá vỡ các carbs thành các loại đường đơn giản di chuyển vào máu. Đây chính là nguyên nhân khi ăn khoai tây khiến tăng đột biến lượng đường trong máu.
TS Mackenzie Burgess (chuyên gia dinh dưỡng tại Cheerful Choices, Mỹ) chia sẻ: "Mặc dù không có loại rau nào phải tránh tuyệt đối đối với những người mắc bệnh tiểu đường, nhưng hãy lưu ý đến liều lượng ăn.
Một khẩu phần ăn thường là 1 cốc khoai tây nướng, nửa cốc khoai tây nghiền hoặc 1 củ khoai tây cỡ nắm tay.
Ngoài ra, hãy cố gắng tránh xa khoai tây đã qua chế biến như khoai tây chiên hoặc khoai tây nướng, điều này có thể dẫn đến việc bạn ăn quá nhiều và dư thừa chất béo trong chế độ ăn kiêng".
2. Bí ngô
Hơn 100g bí ngô đã chứa 16g tinh bột và ít hơn 3g chất xơ. Điều đó khiến nó trở thành một thực phẩm kém lành mạnh đối với đường huyết.
Chuyên gia dinh dưỡng Monica Auslander Moreno trả lời trên trang Cookinglight rằng: Bạn nên hạn chế ăn các loại rau có tinh bột như bí ngô xuống còn nửa cốc mỗi ngày (64g).
Khi ăn, nên kết hợp chúng với các loại thực phẩm có chứa chất béo lành mạnh hoặc protein để giảm phản ứng đường huyết.
3. Các loại đậu
Đậu là nguồn cung cấp protein, chất xơ, vi chất dinh dưỡng và prebiotics tuyệt vời để nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột.
Tuy nhiên, chúng vẫn chứa nhiều carbs, tiêu thụ quá nhiều sẽ làm tăng đột biến lượng đường trong máu.
4. Các loại rau muối
Một loại rau được ưa chuộng rất nhiều trong mâm cơm đó là dưa muối, cải muối... Thực phẩm nhiều muối ảnh hưởng đến lượng đường trong máu nhiều hơn những gì bạn tưởng.
Các thực phẩm nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp, tăng cân, có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin. Chính điều này đồng nghĩa với việc khiến cho insulin hoạt động kém, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
3 thời điểm cần lưu ý
Bệnh nhân tiểu đường khi chưa kiểm soát tốt tình trạng bệnh rất dễ gặp biến chứng vào 3 thời điểm dưới đây trong ngày.
1. Sáng sớm
Vừa ngủ dậy là lúc huyết áp của bệnh nhân tiểu đường thấp nhất. Bật dậy quá nhanh sẽ dẫn tới những rủi ro nguy hiểm như vỡ mạch máu não do huyết áp tăng đột ngột, nhẹ hơn thì cảm thấy chóng mặt, choáng váng.
Do vậy, bệnh nhân tiểu đường, đặc biệt là người cao tuổi mắc bệnh này cần phải dậy thật chậm để cơ thể thích nghi.
2. Khi vừa ăn no
Sau khi ăn no, để tiêu hóa và hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng, cơ thể phải chuyển một lượng lớn máu đến đường tiêu hóa. Do đó lượng máu cung cấp cho tim và não sẽ giảm. Lúc này việc vận động mạnh sẽ dễ ảnh hưởng đến dạ dày, tim và não.
3. Khi đại tiện khó
Đại tiện khó và gắng sức quá mức khi bị táo bón có thể làm tăng áp lực ổ bụng, tăng huyết áp, đồng thời khiến nhịp tim tăng dẫn đến thiếu máu cơ tim cấp, thậm chí gây nhồi máu cơ tim cấp hoặc đột tử.
Với nhóm bệnh nhân này, uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh rất quan trọng, không chỉ đối với đường huyết mà còn đối với việc đại tiện.