Khởi sắc công tác giáo dục ở Phong Thổ
UBND huyện Phong Thổ vừa tổ chức hội nghị Tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025.
Năm học 2023-2024, công tác giáo dục ở Phong Thổ có nhiều chuyển biến tích cực. Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện hoàn thành đạt và vượt kế hoạch giao. Cơ sở vật chất trường, lớp học trên địa bàn huyện từng bước được kiên cố hoá. Các phong trào thi đua cũng được ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ triển khai sâu rộng. Nhờ đó, chất lượng giáo dục các bậc học trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao.
Điển hình ở bậc mầm non, 100% trẻ đến trường được khám sức khỏe định kỳ và theo dõi bằng biểu đồ tăng trưởng theo quy định. 91,5% trẻ mẫu giáo phát triển bình thường về cân nặng. 99,8% học sinh tiểu học đạt và tốt về năng lực; 100% học sinh tiểu học đạt và tốt về phẩm chất. Đối với bậc THCS, có 98% học sinh xếp loại học lực trung bình trở lên (loại khá, tốt chiếm 59%). 100% học sinh xếp loại hạnh kiểm trung bình trở lên (hạnh kiểm tốt chiếm 67,7%). Huyện giữ vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học – xóa mù chữ, thực hiện đúng tiến độ công tác phổ cập giáo dục ở cả 3 cấp học.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, phấn đấu đưa chất lượng giáo dục của huyện bằng mặt bằng chung của toàn tỉnh, năm học 2024-2025, huyện Phong Thổ tiếp tục bổ sung, kiện toàn cán bộ quản lý các đơn vị còn thiếu; huy động tối đa số học sinh trong độ tuổi ra lớp và nâng cao tỷ lệ học sinh chuyên cần…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đinh Quang Tuấn – Bí thư Huyện ủy Phong Thổ, đề nghị: Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện cần tiếp tục thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; Đổi mới phương pháp dạy và học phù hợp với năng lực, trình độ đối tượng học sinh; Chú trọng hơn đến công tác giáo dục rèn luyện kỹ năng, phương pháp tư duy, phẩm chất đạo đức cho học sinh; Giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng các trường trên địa bàn đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia; Tăng cường nguồn lực xã hội hoá để đầu tư cho giáo dục, quan tâm cơ sở vật chất trường, lớp, các thiết bị dạy và học, các điều kiện tổ chức nội trú, bán trú cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới...