dd/mm/yyyy

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại tỉnh vùng cao Sơn La

Những năm qua, ngành giáo dục tỉnh Sơn La tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, cán bộ quản lý; từng bước cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh.

Clip: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại tỉnh vùng cao Sơn La

Ngành giáo dục tỉnh Sơn La nâng cao chất lượng tốt nghiệp THPT

Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp để cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có áp dụng tiêu chuẩn quản lý tiên tiến, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh sáng kiến và kết quả đã đạt được một số thành tựu ban đầu rất đáng khích lệ về chất lượng giáo dục.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại tỉnh vùng cao Sơn La- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao Chứng nhận "Thành phố học tập toàn cầu" cho đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Trường PTDT nội trú tỉnh Sơn La có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT luôn đạt 100%, thuộc tốp đầu của tỉnh có tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng. Nổi bật là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều môn thi có điểm trung bình cao, như lịch sử 8,26 điểm; địa lý 8,5; ngữ văn 7,48...

Trao đổi với phóng viên, thầy giáo Nguyễn Danh Tân, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú tỉnh Sơn La cho biết: Để đạt được những kết quả tích cực, ngay từ đầu năm học, tập thể lãnh đạo nhà trường đã đề ra các giải pháp cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng mục tiêu, lộ trình sau từng lần thi thử. Tổ chức 2 lần hội thảo cải tiến chất lượng giáo dục và nâng cao phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT lần thứ nhất, năm học 2023-2024.

Tổ chức khảo sát chất lượng học sinh để phân hóa, nâng cao phổ điểm các môn thi tốt nghiệp và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT. Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT để học sinh được cọ xát, rút kinh nghiệm, tạo kỹ năng, tâm lý tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Ngoài tổ chức ôn thi 2 buổi/ngày, các giáo viên ôn tập phụ đạo vào buổi tối cho học sinh tất cả các ngày trong tuần. Chăm lo đời sống, quản lý tốt học sinh; hỗ trợ học sinh ôn bài trên lớp và quản lý giờ giấc ăn uống, ngủ nghỉ, học tập hợp lý cho các em.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại tỉnh vùng cao Sơn La- Ảnh 2.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh Sơn La trao học bổng cho các em học sinh tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Đẩy mạnh phổ cập giáo dục và xóa mù chữ

Đối với chương trình phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, hằng năm Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn được kiện toàn, hoạt động hiệu quả. Các cấp, các ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh, học viên ra lớp; quan tâm giúp đỡ về kinh tế, động viên về tinh thần; phối hợp quản lý, duy trì sĩ số học sinh, học viên ra lớp; tham gia dạy trực tiếp các lớp xóa mù chữ.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại tỉnh vùng cao Sơn La- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chuyển trao Quyết định của Bộ GD&ĐT công nhận tỉnh Sơn La đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 cho Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Sốp Cộp là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Sơn La, có 8 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 6 xã đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 11.505 hộ, tỷ lệ hộ nghèo 37,78%, hộ cận nghèo chiếm 14,33% (chuẩn nghèo đa chiều 2021-2025); dân số 53.100 người với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%; công tác xã hội hóa giáo dục tại địa phương đã được đẩy mạnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Văn Kham, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cho biết: Để thực hiện có hiệu quả công tác phổ cập trẻ 5 tuổi và nâng mức đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục THCS, xóa mù chữ, huyện Sốp Cộp đã ban hành các văn bản về giáo dục giai đoạn năm 2021-2025, tập trung cao cho công tác phổ cập, xóa mù chữ. Việc mở các lớp xóa mù chữ thực hiện linh hoạt theo từng địa bàn, tạo điều kiện tối đa để học viên ra lớp. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. 

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại tỉnh vùng cao Sơn La- Ảnh 4.

Những năm qua, chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh Sơn La ngày càng được nâng cao. Ảnh: Văn Ngọc

Xây dựng thành phố học tập, khẳng định chất lượng giáo dục

Thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) là thành phố trẻ, năng động, giàu bản sắc văn hóa và luôn ưu tiên hàng đầu cho phát triển giáo dục đào tạo với hệ thống cơ sở giáo dục chính quy và thường xuyên phủ khắp 12/12 xã, phường, mang lại cơ hội học tập cho người dân. Với những cố gắng và nỗ lực, thành phố Sơn La được ghi danh vào thành phố học tập thuộc mạng lưới toàn cầu của UNESCO. Đây là niềm tự hào của tỉnh vùng cao Sơn La, là động lực để Sơn La tập trung các giải pháp duy trì các tiêu chí sau khi được vinh danh. Thành phố học tập toàn cầu là giải thưởng được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh. Hội nghị quốc tế về thành phố học tập được tổ chức 2 năm một lần từ năm 2013 - 2021 và 3 năm một lần kể từ năm 2021.

Ông Hà Trung Chiến, Bí thư Thành ủy Sơn La cho biết: Thành phố Sơn La đã đạt 22 tiêu chí; 15 tiêu chí chưa đạt và 9 tiêu chí do chuyên gia chưa đánh giá trên tổng số 46 tiêu chí đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí thành phố học tập của UNESCO. Theo đó, hiện nay, thành phố Sơn La có hệ thống cơ sở giáo dục được đầu tư đồng bộ tại 12/12 xã, phường với 51 trường học, trên 33.500 học sinh. Đã tập trung nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mẫu giáo, tiểu học và THCS đối với 100% trẻ trong độ tuổi.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại tỉnh vùng cao Sơn La- Ảnh 5.

Hội thi Giáo viên dạy giỏi góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Xóa mù chữ mức độ 1 cho 99% số người trong độ tuổi 35-60; mức độ 2 cho 100% người trong độ tuổi 15-34. 100% các đơn vị giáo dục chuyển hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục. Phát triển giáo dục ngoại ngữ. Xây dựng trung tâm Kiểm định của Hội đồng Anh (British Council Vietnam English) làm tiền đề phát triển môi trường giao lưu hợp tác, hội nhập.

Trở thành thành viên của mạng lưới học tập toàn cầu mới chỉ là bước đầu. Thời gian tới, thành phố sẽ có chương trình, kế hoạch cụ thể để đạt được các tiêu chí; mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng học tập, chất lượng GD&ĐT. Từ đó để người dân, các tổ chức cộng đồng được học tập suốt đời. Đây không chỉ là tiêu chí của UNESCO mà cả Đảng, Nhà nước và nhân dân mong muốn.

Tỷ lệ cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia ngày càng được nâng cao

PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La thông tin: Trong giai đoạn từ năm học 2019 - 2020 đến nay, ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp để cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có áp dụng tiêu chuẩn quản lý tiên tiến; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh sáng kiến và kết quả đã đạt được một số thành tựu ban đầu rất đáng khích lệ về chất lượng giáo dục.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại tỉnh vùng cao Sơn La- Ảnh 6.

Tỷ lệ cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt chuẩn quốc gia ngày càng được nâng cao. Ảnh: Văn Ngọc

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT liên tục tăng lên; số lượng, chất lượng giải học sinh giỏi quốc gia từng bước được cải thiện; số học sinh đạt giải tại cuộc thi khoa học kỹ thuật, thi học sinh với ý tưởng khởi nghiệp tăng lên qua các năm học. Tỉnh Sơn La được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2 vào tháng 11/2023.

Đến hết năm học 2023 - 2024 toàn tỉnh có 399/597 (đạt 66,80%) cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế tích hợp ISO 9001:2015 & ISO 21001:2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã được tổ chức chứng nhận quốc tế French Cert, Vương quốc Anh đánh giá và cấp chứng chỉ.

Đạt giải thưởng "Thực hành chất lượng xuất sắc" của tổ chức Chất lượng Châu Á (NQA), được công bố vào ngày 27/10/2022 tại Hội nghị chất lượng Châu Á lần thứ 22 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Đạt giải khuyến khích "Giải thưởng thực hành chất lượng bền vững" của Viện Hàn lâm chất lượng thế giới (IAQ - International Acadermy for Quallity), được công bố vào tháng 12/2022 tại Wiscosin, Hoa Kỳ. Tháng 2/2024, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận thành phố Sơn La là thành viên trong mạng lưới các "Thành phố học tập toàn cầu" (là đơn vị thứ 5 trong toàn quốc đạt được danh hiệu này). 

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại tỉnh vùng cao Sơn La- Ảnh 7.

Thành phố Sơn La là đơn vị thứ 5 trong toàn quốc đạt được danh hiệu Thành phố học tập toàn cầu. Ảnh: Văn Ngọc 

Chất lượng giáo dục tỉnh Sơn La được nâng cao toàn diện

Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, một trong những tiền đề, cơ sở để Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La đạt được các tiến bộ trong nâng cao chất lượng giáo dục nêu trên là kết quả của việc Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Nghiên cứu đề xuất giải pháp trọng tâm nâng cao chất lượng giáo dục cấp trung học phổ thông tỉnh Sơn La".

Đề tài đã tập trung tổng hợp, phân tích số liệu, đánh giá thực trạng về chất lượng giáo dục của tỉnh Sơn La để có được những góc nhìn toàn cảnh, đầy đủ nhất về chất lượng giáo dục của tỉnh Sơn la, đặc biệt là chất lượng giáo dục cấp THPT.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại tỉnh vùng cao Sơn La- Ảnh 8.

Giờ học của cô và trò trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Sơn La - nơi có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Ảnh: Anh Thư

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, đề tài đã lựa chọn và đề xuất áp dụng một số nhóm giải pháp cơ bản để tác động nhằm làm thay đổi chất lượng giáo dục theo chiều hướng tích cực, thực chất và bền vững 6 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp về phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng hai mặt giáo dục của học sinh; Nhóm giải pháp hoàn thiện cơ sở vật chất; Nhóm giải pháp phát triển quản lý hoạt động chuyên môn; Nhóm giải pháp phát triển hệ thống trường trọng điểm chất lượng cao; Nhóm giải pháp thực hiện xã hội hoá giáo dục.

Sau mỗi năm, mỗi chu kỳ, đề tài đã đánh giá toàn diện các yếu tố có tác động đến chất lượng giáo dục để có những kết luận khách quan về chất lượng giáo dục của mỗi đơn vị và toàn tỉnh, đặc biệt là kết luận chất lượng sản phẩm đầu ra. Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất tham mưu Sở Giáo dục và Đào tạo có những điều chỉnh trong công tác chỉ đạo điều hành, phù hợp cho lần áp dụng tiếp theo. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của đề tài và kết quả nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Sơn La trong giai đoạn 2019 - 2023, Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh đã đánh giá đề tài xếp loại xuất sắc. 

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại tỉnh vùng cao Sơn La- Ảnh 9.

Một lớp học xóa mù chữ ở vùng biên giới Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Việc vận hành Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế tích hợp IMS (ISO 9001:2015 và ISO 21001:2018) đã giúp Sở Giáo dục và Đào tạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý giáo dục trong toàn tỉnh, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.

Tỉnh Sơn La được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2 vào tháng 11/2023, là tỉnh thứ 12 trong toàn quốc và tỉnh thứ 5 trong 14 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2. Năm học 2023-2024 công nhận thêm 35 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đến hết năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 399/597 (đạt 66,80%) cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại tỉnh vùng cao Sơn La- Ảnh 10.

Ngành giáo dục và đào tạo Sơn La đã đóng góp to lớn trong việc bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cho thế hệ trẻ, giúp phát triển con người, nâng cao dân trí, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Chất lượng giáo dục cấp THPT có tiến bộ sau mỗi năm học, kết quả thi tốt nghiệp THPT liên tục tăng lên trong 5 năm vừa qua.

Ngành giáo dục và đào tạo Sơn La đã đóng góp to lớn trong việc bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cho thế hệ trẻ, giúp phát triển con người, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội để tỉnh Sơn La có được thành tựu, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.


Văn Ngọc