Từ làm ngọc trai xuất ngoại...
Nguyễn Cao Cầu là một cử nhân ngành quản trị kinh doanh ở một trường đại học tại Thủ đô. Mới tốt nghiệp ra trường nhưng Cầu đã có ý tưởng làm ngọc trai nước ngọt và để thực hiện được ước mơ đó, chàng cử nhân này đã cất công mày mò học hỏi và “tầm sư học đạo”. Sau khi đã có kiến thức, Cầu quyết định về làng ở xã Khánh An, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) vay mượn tiền của bạn bè, người thân để thuê đất, làm nhà xưởng sản xuất ngọc trai.
Sau quá trình cố gắng nỗ lực đến nay Cầu đã có trong tay cơ ngơi trang trại ngọc trai nước ngọt rộng 1,5ha trị giá hàng tỷ đồng. Anh Cầu cho biết, trang trại của anh mới thả nuôi 1,5 vạn con trai lấy ngọc.
“Đến thời điểm này các con trai được cấy nhân từ đầu năm 2018 đã cho thu hoạch với chất lượng tốt. Điều đáng mừng là sản phẩm của tôi sau khi thu đã được xuất thẳng sang Nhật Bản, một thị trường tiềm năng cho sản phẩm ngọc trai nước ngọt của Việt Nam”, Cầu tiết lộ.
Hiện, đơn vị của Cầu đã hoàn thiện công trình nhà xưởng chế tác ngọc trai. Bên cạnh đó, công ty của anh đang cử người đi học chế tác ngọc trai bên Nhật Bản để chuẩn bị nhân lực cho công ty sản xuất khép kín sản phẩm mới này.
Hiện, công ty của anh Cầu là một trong những đơn vị đầu tiên ở Việt Nam đầu tư nghiên cứu, ứng dụng mô hình cây, ghép ngọc trai nước ngọt thành công. “Đến nay, Ninh Bình có rất nhiều loài trai nước ngọt sinh sống. Vì thế, việc nghiên cứu và phát triển nghề nuôi trai lấy ngọc là rất hiệu quả, phục vụ du lịch đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Để có được viên ngọc trai nước ngọt, ban đầu chúng tôi phải tìm được loài trai xanh cánh mỏng và trai đen cánh dày. Hai loại trai này có tuổi thọ cao, sức sống bền, khi trưởng thành có kích cỡ lớn từ 20 - 35cm, trọng lượng hơn 2kg/con”, anh Cầu chia sẻ.
Nói thêm về bí quyết cấy ghép trai, anh Cầu cho hay: Sau khi cấy ghép sức khỏe của trai rất yếu, vị trí các viên nhân và tế bào chưa ổn định trong túi ngọc. Quá trình thao tác phẫu thuật có những chấn thương làm cho con trai bị đau và rất dễ nhiễm trùng. Vì thế, khi nuôi dưỡng phải luôn giữ môi trường bể nuôi sạch sẽ, các thao tác thực hiện phải nhẹ nhàng mới giảm được tỷ lệ trai chết”.
... Đến mô hình nông nghiệp thông minh
Không làm ngọc trai nhưng Vũ Văn Cường (tốt nghiệp Khoa Thiết kế cơ khí, ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên) lại bén duyên với nghề trồng rau sạch.
Năm 2017, Cường vừa theo học năm thứ tư đại học, vừa cùng với hai người bạn, được sự hậu thuẫn từ gia đình, đã tổ chức xây dựng nhà lưới trồng rau an toàn với diện tích 3.000m2. Chập chững vào nghề nhưng Cường lại gieo trồng cùng lúc nhiều loại rau. Anh lý giải, có thể sẽ có những vấp váp ban đầu nhưng làm nông nghiệp thì không thể tránh khỏi rủi ro. Kỳ thực, việc trồng đa dạng các loại rau xanh đã xuất phát từ ý tưởng ban đầu của nhóm.
Hiện tại, Cường đã ký hợp đồng cung ứng rau với 50 hộ gia đình theo tháng. Mỗi tháng, các gia đình phải trả số tiền 450.000đ. Đều đặn, mỗi ngày một lần, trên đường xuống thành phố đi học, Cường lại mang rau đến từng hộ gia đình với các loại rau được thay đổi liên tục.
Khách hàng đánh giá cao chất lượng rau an toàn của Cường, nhiều người tìm đến để đặt hàng, một số siêu thị cũng muốn bao tiêu sản phẩm nhưng anh không dám ký thêm hợp đồng. Cường lo lắng không đảm bảo được sản lượng cung ứng. Từ thực tế đó, anh quyết tâm thực hiện việc tự động hóa, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Sau khi đã tính toán kỹ lưỡng, tháng 2/2018, Cường quyết định đầu tư xây dựng nhà màng trồng dưa lưới. Vì không còn tư liệu nên anh phải lên tận thị trấn Đu (huyện Phú Lương), cách xa nhà 12km để dựng nhà sản xuất. Nhà màng mang tính thử nghiệm của Cường chỉ vỏn vẹn 200m2 nhưng lại trồng được 500 gốc dưa lưới. Điều đặc biệt là toàn bộ thiết kế của nhà sản xuất đều do anh tự nghiên cứu và chế tạo.
Học thiết kế cơ khí nên anh cho dựng khung nhà lắp ghép, không sử dụng mối hàn, mọi vật liệu đều có thể tận dụng và di chuyển dễ dàng. Anh viết phần mềm cho hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hệ thống pha dinh dưỡng, che nắng, quạt đối lưu, hệ thống chiếu sáng...
Cường cho đặt một máy tính tại nhà màng, liên tục kết nối để báo về điện thoại di động của anh tất cả các dữ liệu, chỉ số liên quan đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Vậy là ngay cả khi đang làm vườn ở Cổ Lũng, đi giao hàng hay trên giảng đường thì chàng sinh viên vẫn có thể điều khiển từ xa để chăm sóc cho dưa lưới trong nhà màng.
Chị Vũ Thị Hương Giang - Phó Bí thư Huyện đoàn Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên nhận xét, mô hình sản xuất trồng rau sạch của đoàn viên Vũ Văn Cường đã được đoàn thanh niên huyện coi là một trong những mô hình khởi nghiệp nông nghiệp tiêu biểu. Huyện đoàn đã xây dựng kế hoạch nhằm hỗ trợ những đoàn viên có ý tưởng và thực hiện việc khởi nghiệp có triển vọng.