Kỳ họp thứ hai mươi lăm, HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng
Tại Kỳ họp, các đại biểu nghe các báo cáo: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2024, kế hoạch năm 2025; công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025.
Năm 2024, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu đã đoàn kết, nỗ lực vượt khó, thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, quốc phòng an ninh được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.
Kỳ họp sẽ xem xét, thảo luận, thông qua 23 báo cáo, tờ trình dự thảo nghị quyết, trong đó có một số nội dung quan trọng như: Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng biên chế năm 2024; Kế hoạch biên chế năm 2025; Nghị quyết quyết định tổng biên chế công chức; phê duyệt số lượng người làm việc; hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước và biên chế trong các tổ chức hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; Nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết quy định mức chi phí chi trả cho tổ chức thực hiện dịch vụ chi trả chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu khai mạc kỳ họp, bà Giàng Páo Mỷ - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, nhấn mạnh: Đây là kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn. Vì vậy, các đại biểu HĐND tỉnh cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ; bám sát vào các quy định, hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành và tình hình thực tiễn của địa phương để thảo luận, quyết định những nội dung kỳ họp đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Trong đó, lấy hiệu quả làm trung tâm để xem xét, quyết định các nội dung trình kỳ họp.
Đại biểu HĐND tỉnh cần nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, tập trung vào các vấn đề mấu chốt, các nội dung còn có ý kiến khác nhau; bám sát các quy định, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ của cấp trên và tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo các nghị quyết sau khi thông qua có tính khả thi cao, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh…