dd/mm/yyyy

Nông dân Hòa Bình khẩn trương thu hoạch lúa vụ xuân

Những ngày này, nông dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang huy động nhân lực, máy móc thu hoạch lúa vụ xuân.

Theo ghi nhận của PV, những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 này, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt cùng những đợt mưa kèm theo dông, lốc đã gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Nhằm hạn chế ảnh hưởng của thời tiết cực đoan gây thiệt hại đến năng suất lúa, nông dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đang khẩn trương huy động nhân lực, máy móc thu hoạch lúa đã chín.

Ghi nhận tại xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, tiếng máy gặt đập liên hợp, máy tuốt lúa rền vang trên các cánh đồng. 

Nông dân Hòa Bình khẩn trương thu hoạch lúa vụ xuân- Ảnh 1.

Nông dân Hòa Bình sử dụng cơ giới hóa để tăng hiệu suất lao động. Ảnh: Thu Hoài.

Chia sẻ với PV, bà Bùi Thị Phúc, thôn Vôn, xã Thống Nhất cho biết, năm nay, để đề phòng nắng hạn kéo dài, gia đình chú ý khung thời vụ, giống, phân bón, tận dụng nguồn nước để tập trung làm đất, gieo cấy đúng tiến độ. Lựa chọn giống lúa ngắn ngày, chịu hạn cao để cấy và bón phân phù hợp giúp năng suất lúa khi thu hoạch cơ bản ổn định. Với 2.000m2 ruộng, có sự hỗ trợ của máy gặt, gia đình vừa hoàn thành thu hoạch lúa xuân, chuẩn bị vệ sinh đồng ruộng.

Theo phòng NNPTNT huyện Lạc Thủy, tính đến cuối tháng 5/2024, toàn huyện đã thu hoạch trên 1.200ha lúa chiêm xuân, đạt trên 76% kế hoạch, năng suất đạt trên 64 tạ/ha; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 15.800 tấn. 

Nông dân Hòa Bình khẩn trương thu hoạch lúa vụ xuân- Ảnh 2.

Người dân tích cực thu hoạch lúa vụ xuân để chuẩn bị sản xuất vụ hè thu. Ảnh: Hoài Thu.

Ông Ngọ Đình Tâm, Trưởng phòng NNPTNT huyện Lạc Thủy cho biết, vụ lúa chiêm xuân năm nay, năng suất và sản lượng đạt cao do thời tiết thuận lợi, điều tiết nguồn nước sản xuất hợp lý, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, nông dân tích cực đưa các giống lúa mới năng suất cao vào cấy. Ngay khi thu hoạch xong, những diện tích tiếp tục cấy lúa vụ mùa được nông dân tập trung làm đất, cày ngả.

Cùng với huyện Lạc Thủy, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thu chiêm, làm mùa. Theo thống kê, toàn tỉnh đã thu hoạch trên 3.990ha lúa chiêm xuân. Một số huyện thu hoạch sớm như: Lạc Thủy thu hoạch trên 80% diện tích, Lương Sơn thu hoạch gần 45% diện tích...

Vụ xuân năm 2024, toàn tỉnh gieo cấy gần 16.000ha lúa; 15.500ha ngô; gần 1.300ha khoai lang; khoảng 6.300ha rau, đậu các loại... Các huyện, thành phố đã chỉ đạo phòng chuyên môn bám sát đồng ruộng, đôn đốc nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa chiêm xuân theo khung thời vụ. Công tác chuẩn bị sản xuất vụ mùa, hè thu đang được triển khai tích cực, nhất là việc làm đất và chuẩn bị các loại vật tư nông nghiệp.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng gia tăng từ tháng 5 - 7/2024. Mùa mưa khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình nhiều năm. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do điều kiện thời tiết bất thuận cho cây trồng, Sở NNPTNT đã ban hành văn bản chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, vụ mùa năm 2024. 

Theo đó, đối với những diện tích lúa xuân đang thu hoạch, các địa phương bố trí tối đa nguồn nhân lực, máy móc khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn, tránh thiệt hại do những đợt mưa kèm gió xoáy. Trên các diện tích đã thu hoạch triển khai cày lồng vùi lấp tàn dư sớm, kết hợp xử lý chế phẩm sinh học để phân hủy nhanh tàn dư, hạn chế ngộ độc hữu cơ và sâu bệnh vụ sau.

Đối với sản xuất lúa mùa năm 2024, cần ưu tiên chọn những giống có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng gạo khá. Mỗi địa phương nên chọn 2 - 3 giống lúa chủ lực, gieo cấy tập trung theo vùng để thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Với những diện tích gieo trồng cây vụ đông ưa ấm như ngô, đậu tương, cần bố trí cơ cấu giống hợp lý để thu hoạch xong trước ngày 25/9/2024. Chủ động bố trí lượng giống dự phòng bằng các giống ngắn ngày, cực ngắn ngày để gieo cấy bổ sung nếu thiên tai xảy ra.

Thu Hoài