Đây là hoạt động nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức chương trình đã thông tin đến các đại biểu về tiềm năng, lợi thế của tỉnh Hòa Bình; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm gần đây, các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh; công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thời gian qua, nhu cầu tiêu thụ thời gian tới... Đồng thời cung cấp thông tin về các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Hòa Bình...
Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến tham luận của đại biểu là đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh Hòa Bình; Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công, xúc tiến thương mại các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc; đại diện các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các nhà phân phối; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh... Các ý kiến tập trung làm rõ tiềm năng, lợi thế các mặt hàng nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu của vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất; đề ra các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ...
Trong khuôn khổ Hội nghị, Tập đoàn Central retail- nhà bán lẻ đa lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam cùng các đơn vị phân phối: Công ty CP Thương mại và dịch vụ tổng hợp Đức Thành (Hà Nội), Công ty CP thực phẩm an toàn Tâm Thành (Hà Nội); Công ty CP Thương mại Định Nhuận (Hòa Bình) đã ký các biên bản ghi nhớ, hợp tác với nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, từ ngày 14/11, các doanh nghiệp, nhà sản xuất, địa phương trên địa bàn tỉnh Hoà Bình và các tỉnh Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Nam đã tổ chức gần 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu hàng trăm sản phẩm hàng hóa đặc trưng, sản phẩm OCOP của người dân, hộ kinh doanh, hợp tác xã tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài ra, còn có các sản phẩm OCOP, các mặt hàng nông sản, thực phẩm tiêu dùng, ẩm thực của các địa phương trong tỉnh.