Dạy nghề theo “đơn đặt hàng”
Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm, cách làm trong việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện các nội dung trong lĩnh vực dạy nghề và hỗ trợ hội viên, ND của Hội nông dân tỉnh Hải Dương?
Hội nông dân tỉnh thống nhất quan điểm chỉ đạo dạy nghề phải xuất phát từ chính nhu cầu thực tế của hội viên, ND, không chạy theo thành tích hay kế hoạch phân công. Dạy nghề cho lao động nông thôn phải tiến tới dạy theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, đơn vị để đảm bảo sau học nghề người lao động có việc làm và thu nhập cao.
Ngoài nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho ND thì Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND cũng xác định phải nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ ND sau học nghề. Phải xác định rõ cái ND cần hỗ trợ ở đây là vốn, vật tư, tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, hướng dẫn tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Trong 5 năm (2014 – 2018), trung tâm đã trực tiếp tổ chức đào tạo được 147 lớp nghề, cấp chứng chỉ nghề cho 5.135 lượt ND, tổ chức 1.043 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT ngắn ngày cho 62.520 lượt... Trên cơ sở các lớp đào tạo nghề, Trung tâm đã phối hợp với Hội ND huyện, Hội ND cơ sở tổ chức thành lập được 38 câu lạc bộ (CLB) nuôi thủy sản.
Đáng chú ý, về hoạt động hỗ trợ ND sau học nghề, trong 5 năm qua, trung tâm đã phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng trên 10.000 tấn phân bón, gần 2.000 tấn thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản theo phương thức trả chậm, hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình trình diễn gắn với dạy nghề…
Nói thêm về yếu tố con người chúng tôi tự hào có đội ngũ giáo viên không chỉ có năng lực, trách nhiệm mà con tận tâm với công việc. Giáo viên của trung tâm không chỉ dạy xong là hết bổn phận. Sau lớp học nghề họ vẫn thường xuyên liên lạc, trao đổi, nắm bắt tình hình sản xuất của học viên để từ đó có đề xuất, định hướng và hỗ trợ ND kịp thời.
Trong quá trình tổ chức hoạt động dạy nghề và hỗ trợ ND, Hội ND tỉnh đã gặp khó khăn, thuận lợi gì thưa bà?
Những năm qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND đã được T.Ư Hội NDVN, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ rất nhiều. Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hải Dương đến năm 2020 vẫn đặt nông nghiệp giữ vai trò quan trọng. Hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững với năng suất cao nhưng đảm bảo an toàn sinh học nên việc trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật thông qua các lớp dạy nghề cho ND rất quan trọng.
Nhìn chung, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương đã khai thác tốt vị trí, cơ sở vật chất, tiềm năng, thế mạnh của trung tâm để tổ chức các hoạt động dạy nghề, tập huấn, tư vấn giới thiệu việc làm, dịch vụ hỗ trợ ND, khai thác cơ sở vật chất theo đúng chức năng, nhiệm vụ của trung tâm, hoàn thành tốt kế hoạch được giao
Là đơn vị sự nghiệp nhưng tổ chức bộ máy của trung tâm hiện nay còn nhiều đồng chí giáo viên chưa trong biên chế, mới hợp đồng nên kinh phí lo lương, bảo hiểm cho giáo viên gặp nhiều khó khăn.
Một khó khăn nữa hiện nay là việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện nay còn hạn chế. Hiện, Hội ND tỉnh mới bước đầu hỗ trợ ND vấn đề đầu vào như phân bón, giống, thức ăn chăn nuôi… còn vấn đề “đầu ra” vẫn chưa nhiều.
Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân sau học nghề
Nhìn từ góc độ địa phương, quan điểm của bà và Hội ND tỉnh như thế nào về chủ trương của nhà nước đầu tư tạo dựng cơ sở vật chất và chính sách cho hoạt động dạy nghề và hỗ trợ ND của Hội NDVN?
Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nên rất cần đầu tư quan tâm của Đảng và Nhà nước về cơ sở vật chất cũng như các chính sách thỏa đáng để tổ chức thực hiện nhiệm vụ dạy nghề, tập huấn, tư vấn, dịch vụ hỗ trợ ND.
Càng về sau này, hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ hội viên, ND trong sản xuất, kinh doanh sẽ là các hoạt động chủ đạo của trung tâm. Cơ sở vật chất tại các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND theo đó cũng phục vụ nhiệm vụ chính cho hoạt động tư vấn, dịch vụ và hỗ trợ hội viên, ND.
Bà có thể chia sẻ những định hướng phát triển của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND của Hội ND tỉnh Hải Dương trong những năm tới như thế nào?
Theo Đề án số 03/ĐA-TU ngày 28/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND thực hiện tự chủ một phần, mỗi năm giảm 15% kinh phí. Như vậy, nguồn ngân sách cấp hàng năm sẽ giảm dần. Để đảm bảo duy trì hoạt động, trung tâm sẽ đẩy mạnh việc khai thác cơ sở vật chất, các chương trình dự án trong lĩnh vực đào tạo nghề, hoạt động hỗ trợ nông dân của trung ương, của tỉnh.
Cụ thể, trung tâm sẽ xây dựng chương trình đào tạo nghề sát thực hơn với nhu cầu người học hướng tới tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm; mở rộng mạng lưới dịch vụ cung ứng vật tư đến ND, kết hợp giữa sản xuất với các điển hình, điểm trình diễn, dịch vụ đầu vào, đầu ra. Đồng thời tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho ND; làm đầu mối tổ chức hội chợ thương mại, hội chợ hàng nông sản trong nước và quốc tế...
Xin cảm ơn bà!