Cải tạo vườn tạp giúp thu nhập tăng gấp 3
Gia đình anh Vàng Mí Sính (thôn Sì Mần Khan) được xem là một trong những hộ dân tiên phong thực hiện phong trào cải tạo vườn tạp trên địa bàn xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).
Năm 2010, khi phong trào cải tạo vườn tạp ở xã chưa phát triển mạnh, người dân còn chưa biết trồng cây gì để nâng cao thu nhập thì anh Sính đã mạnh dạn bỏ cây ngô truyền thống, cải tạo đất để trồng cây lê. Sau vài năm thấy được hiệu quả kinh tế mà cây lê đã mang lại, anh tiếp tục mở rộng thêm diện tích. Đến nay diện tích trồng lê của gia đình anh đã lên đến 1ha.
Theo anh Sính, nếu như trước đây 1ha ngô, sau khi trừ chi phí thu nhập còn khoảng 10 triệu đồng/năm thì từ khi chuyển đổi sang trồng lê, doanh thu mỗi năm đã tăng lên khoảng 120 triệu đồng, trừ công chăm sóc, phân bón, gia đình anh cũng bỏ túi 100 triệu/năm.
Cũng giống như anh Sính, gia đình ông Vừ Sấu Pó (ở thôn Thèn Ván) đã chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn tạp của gia đình sang trồng các loại cây mận tam hoa; lê Đài Loan; rau chuyên canh và thuốc nam.
Ông Pó chia sẻ: Tổng diện tích vườn nhà ông có gần 2.000m2 thì hơn 60% là đá nên quanh năm vợ chồng ông Pó chỉ trồng ít rau cải và ngô tạp làm mèn mén ăn chống đói quá ngày. Những tháng thời tiết khắc nghiệt, vườn phải để đất hoang cho cỏ mọc. Nhưng từ khi được cán bộ địa phương đến nhà vận động và hỗ trợ cải tạo vườn tạp, được cán bộ cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn vợ chồng ông đã xếp đá chia làm nhiều khu như vườn nhỏ để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao.
Đến nay từ một khu vườn lổm chổm đá, cây bụi, cỏ dại sau khi được cải tạo, vườn nhà ông Pó như "thay da, đổi thịt". Theo dự kiến, đến cuối năm khu vườn của gia đình ông sẽ cho thu hoạch khoảng trên dưới 20 triệu đồng và sang năm thứ 3 sẽ tăng thu nhập lên 60 triệu đồng.
"Lần đầu thực hiện cải tạo vườn, tôi cũng thấy mới lạ nhưng nhờ cán bộ nhiệt tình giúp đỡ, đến giờ vườn đá của tôi trồng được nhiều cây ăn quả, rau xanh tươi tốt... chỉ chờ ngày thu hoạch, chúng tôi vui lắm!"- ông Pó nói.
Thấy được hiệu quả từ chương trình cải tạo vườn tạp của gia đình anh Sính, ông Pó, nhiều hộ dân trong xã cũng đã học tập, làm theo. Đến nay, các mô hình đều cho thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn xã Lũng Cú.
Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
Xã Lũng Cú có tổng diện tích đất tự nhiên 3,379,17 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 1.483,55 ha; đất lâm nghiệp là 982,8 ha còn lại là đồi núi đá.
Toàn xã có 9 thôn với 973 hộ, 4.993 khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Lô Lô. Số hộ nghèo chiếm 11,72% nên đời sống kinh tế của nhân dân các dân tộc gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Chu Văn Hương – Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú cho hay: Với mục tiêu từng bước nâng cao đời sống cho bà con nhân dân, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh, tại Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 11, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết về cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế cho người dân giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 với nhiều mục tiêu và giải pháp cụ thể.
Theo đó, xã Lũng Cú phấn đấu hàng năm sẽ thực hiện cải tạo vườn tạp từ 9 vườn trở lên, trong đó có 6 vườn trồng cây ăn quả và 3 vườn trồng cây ngắn ngày trở lên. Khuyến khích người dân tham gia cải tạo vườn tạp, mở rộng mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao như: Lê, mận, dưa hấu, đào chín sớm, gừng, ớt gió.… và nhân rộng các gia trại hiện có.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Đảng ủy xã cũng đề ra một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển cải tạo vườn hộ, vận động người dân tích cực tham gia thực hiện cải tạo vườn tạp, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn đưa các loại cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện sản xuất và khí hậu tự nhiên của địa phương; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kiến thức khoa học - kỹ thuật cho người dân;
Song song với đó, xã Lũng Cú còn tập trung nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là đội ngũ khuyến nông thôn, bản và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu, lựa chọn của nhân dân. Gắn phát triển du lịch với giữ gìn, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy những giá trị sản phẩm của địa phương.
"Xã Lũng Cú đặt mục tiêu hết năm 2025 sẽ có 40 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp tương ứng với 40 vườn. Phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn xã có ít nhất 2 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP" – ông Hương tiết lộ.