dd/mm/yyyy

Hiểm họa từ loài sâu keo mùa thu

Sâu keo mùa thu đã chính thức xâm nhập Việt Nam và gây hại nghiêm trọng cho cây ngô sau thời gian hoành hành ở nhiều nước trên thế giới, gây thiệt hại lên tới hàng tỷ USD tại 44 quốc gia khắp khu vực hạ Sahara châu Phi và phát tán ra các nước châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Sri Lanka, Myanmar và Bangladesh.

Tấn công mạnh vào cây trồng chủ lực

Mới đây, ông Nguyễn Tràng Thịnh, trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật Đồng Nai, cho biết toàn địa bàn đã phát hiện gần 280 ha ngô (bắp) bị sâu keo mùa thu tấn công. Theo ông Thịnh, lần đầu ghi nhận sự xuất hiện của keo sâu mùa thu tại một ruộng ngô ở huyện Định Quán vào ngày 3/5, với diện tích chỉ 1,5 ha.

Sâu keo mùa thu là loại dịch hại nguy hiểm. TL
Sâu keo mùa thu là loại dịch hại nguy hiểm. TL

Tuy nhiên chỉ sau hơn 3 tuần, toàn tỉnh đã có 276 ha ngô phát hiện loài sâu hại này, trải rộng ở nhiều huyện khác nhau bao gồm Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Thống Nhất và Tân Phú. Trong số đó, huyện Cẩm Mỹ bị nặng nhất với trên 100 ha bắp bị sâu keo mùa thu tấn công. Mức độ gây hại của sâu đối với cây trồng trung bình từ 5-20%, cá biệt có vườn ngô bị ảnh hưởng tới 30-40%.

Không chỉ riêng Đồng Nai, tại Nghệ An, Thanh Hóa Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang… và nhiều địa phương khác đều đã phát hiện loại sâu gây hại trên có đặc điểm hình thái, gây hại giống nhau.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, loại “sâu keo mùa thu” hại ngô được phát hiện đầu tiên vào đầu tháng 4/2019 tại huyện Phù Yên. Đến nay, loại sâu này đã lan ra 11/12 huyện, thành phố với trên 3.000 ha ngô nhiễm sâu, gây thiệt hại nặng cho bà con nông dân.

Khác với các loài từng gây hại trước đây, đó là sức ăn của sâu keo rất khỏe. Qua điều tra thường trên mỗi đọt ngô chỉ phát hiện 1 cá thể sâu trưởng thành, chúng có thể ăn rách nát hết phần ngọn trong một vài ngày và thải ra lượng phân lớn. Sâu tuổi nhỏ thường tập trung nhiều cá thể trên một cây. Một đặc điểm nổi bật nữa là chúng thường phản ứng giả chết và cuộn tròn khi đụng vào. Màu sắc cơ thể thay đổi theo tuổi sâu và điều kiện ngoại cảnh, có thể hơi xanh, nâu, xám hoặc pha trộn xám và đen. Chúng gây hại từ trong ra ngoài, phần ngọn cây ngô thường bị cắn đứt trước, sau đó chúng ăn khuyết dần các lá tiếp theo.

Theo thông báo trong tháng 5 vừa qua của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) gửi các địa phương, loài sâu keo mùa thu (Spodoptera Frugiperda) mới xâm nhập nước ta, có khả năng di trú xa, gây hại nặng cho ngô và nhiều loại cây trồng khác.

Phòng trừ tổng hợp và sử dụng giống chống chịu

Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) nhìn nhận đây là một bệnh dịch hết sức nguy hiểm với ngành trồng trọt. Sâu keo mùa thu có tốc độ lây lan nhanh, sâu bướm trưởng thành có thể bay xa nhiều km mỗi đêm nên dịch hại này có thể nhanh chóng lây lan sang khu vực miền Trung và phía Nam trong vụ hè đang chuẩn bị trồng ngô vào tháng 5 - 6. Dịch hại còn có thể gây hại trên 80 loài cây trồng khác nhau nếu không kiểm soát hiệu quả. Loài sâu này đang gây hại lớn trên cây ngô, ước tính thất thoát về năng suất gây ra dao động từ 30-60%, thậm chí lên tới 100% nếu không có biện pháp kiểm soát phù hợp.

Để tổ chức phòng trừ kịp thời và hiệu quả loài sâu hại này, Bộ NNPTNT yêu cầu các Sở NNPTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành về trồng trọt và bảo vệ thực vật tổ chức điều tra sự phân bố, mật độ, tỷ lệ gây hại của sâu keo mùa thu trên ngô và các cây trồng khác.

Các đơn vị hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật để hạn chế thiệt hại. Các Sở điều tra, phát hiện các giống ngô có khả năng kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để hướng dẫn nông dân thay thế các giống ngô bị nhiễm nặng.

Sâu keo mùa thu (Fall Armyworm), tên khoa học là Spodoptera frugiperda, có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ... Sâu keo mùa thu là loài sâu hại đa thực, chúng có thể gây hại trên 80 loại cây trồng, gây hại nặng trên nhóm cây họ hòa thảo như: ngô, lúa, kê và mía. Ngoài ra, cũng đã được phát hiện gây hại trên các loại cây rau, bông…

Bộ NNPTNT yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật ban hành các tài liệu, quy trình phòng chống sâu keo mùa thu; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhận biết và biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu cho cán bộ trong các cơ quan chuyên ngành, khuyến nông và nông dân; hướng dẫn hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật tạm thời sử dụng phòng trừ sâu keo mùa thu. Bộ cũng khuyến cáo doanh nghiệp đăng ký các sản phẩm phòng trừ sâu keo mùa thu như: Thuốc bảo vệ thực vật, bẫy bả, bẫy pheromone... và ưu tiên các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Cục Trồng trọt phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương biện pháp canh tác, chăm sóc, bố trí mùa vụ để hạn chế tác hại của sâu keo mùa thu; đặt hàng nghiên cứu giống kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để đưa vào sản xuất.

Bộ NNPTNT cũng yêu cầu các viện, học viện tổ chức nghiên cứu về sâu keo mùa thu và các biện pháp phòng chống đảm bảo hiệu quả phòng trừ, hiệu quả kinh tế, an toàn môi trường sinh thái; nghiên cứu nhân nuôi ký sinh, thiên địch phòng chống sâu keo mùa thu; nghiên cứu, tuyển chọn giống kháng, giống chống chịu sâu keo mùa thu.

Tổ chức CropLife (Hiệp hội Thúc đẩy ứng dụng khoa học Nông nghiệp) cũng đưa ra quan điểm ủng hộ Chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để đối phó với dịch sâu keo này. Để áp dụng IPM thành công, các công cụ phòng trừ hiệu quả cho cho nông dân bao gồm sử dụng thuốc trừ sâu, cây trồng công nghệ sinh học và các công cụ quản lý sâu hại khác. Thuốc trừ sâu là một trong số ít những công cụ phòng trừ sâu keo hiệu quả và đã được chứng minh. Có thể cân nhắc sử dụng thuốc phun qua lá và thuốc xử lý hạt giống.

Sâu keo mùa thu tàn phá nhiều diện tích ngô.
Sâu keo mùa thu tàn phá nhiều diện tích ngô.

“Về giống, trên các ruộng nông dân đã ứng dụng giống ngô tích hợp sẵn công nghệ kháng sâu như DK6919S, DK9955S đều ghi nhận hiệu quả vượt trội. Về giải pháp bảo vệ thực vật trên các ruộng sử dụng giống ngô thường, chúng tôi đã đưa ra khuyến cáo các loại thuốc giúp trừ sâu keo mùa thu hiệu quả nhằm hạn chế thiệt hại tới mức tối thiểu, đồng thời tránh lây lan sang cây trồng khác”, ông Kohei Sakata, Tổng Giám đốc Công ty Bayer Việt Nam chia sẻ.

Giống ngô công nghệ kháng sâu DK 6919S và DK 9955S nhờ được tích hợp công nghệ gen tiên tiến với sự có mặt của 2 protein Bt kháng sâu cung cấp khả năng kiểm soát sâu keo mùa thu cũng như các loại sâu hại ngô khác như sâu đục thân, sâu đục bắp rất hiệu quả.

Hiện, ghi nhận tại các vùng có sự xâm hại của sâu keo mùa thu như Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, cặp đôi giống ngô kháng sâu DK 6919S và DK 9955S đã đạt hiệu quả kháng sâu vượt trội từ đầu tới cuối mùa vụ, bảo vệ năng suất tối ưu.

Bài, ảnh: Khánh Nguyên