Tại xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, một trong những địa phương có diện tích cây hồ tiêu khá lớn, nhưng mấy tháng nay bị nhiễm bệnh và chết tràn lan. Dù các ngành chức năng và người dân đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng bệnh, nhưng vẫn chưa thể kiểm soát dịch bệnh.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, đã có hàng trăm ha tiêu bị nhiễm bệnh chết, khiến người dân lao đao.
Cây tiêu được xem là loại cây chủ lực, góp phần thay đổi kinh tế, nâng cao đời sống của người dân. Nhận thấy hiệu quả cao do cây hồ tiêu mang lại, người dân tại nhiều địa phương đã trồng nhân rộng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bà con lâm vào tình cảnh khốn đốn do nhiều diện tích tiêu bị chết do bệnh chết nhanh, chết chậm. Sản lượng, năng suất, nguồn thu nhập của người dân cũng bị sụt giảm.
Chỉ trong thời gian ngắn, gần 200 gốc tiêu của gia đình anh Trương Quang Thắng, ở thôn Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang bị chết trơ thân. Dẫn chúng tôi đi khảo sát vườn tiêu của mình, ông Thắng cho hay: “Gia đình tôi có 4 sào tiêu nhưng bây giờ vườn nào cũng bị bệnh, nặng nhất là vườn này. Cả vườn có 110 gốc tiêu bây giờ bị bệnh chết rụi gần hết. Tại mảnh vườn khác cũng bị chết, ước tính gần 200 gốc tiêu”.
Theo anh Thắng, dịch bệnh diễn ra rất nhanh chỉ trong khoảng 10 ngày, lá cây có hiện tượng úa vàng, héo rũ rồi chết khô. Đặc biệt, phần rễ tiêu bị thối dần, xuất hiện những vệt đen khiến tiêu bị chết.
“Mặc dù tôi đã sử dụng nhiều loại thuốc nhưng hiện tượng này vẫn không giảm. Nếu tiêu chết cứ kéo dài khiến tôi không biết làm sao vì thu nhập chính của gia đình đều dựa vào cây tiêu”, anh Thắng nói.
Không chỉ vườn tiêu của gia đình anh Thắng, rất nhiều hộ gia đình trồng tiêu khác trên địa bàn cũng rơi vào tình trạng tương tự. Do diễn biến dịch bệnh diễn ra khá nhanh nên khiến người dân “trở tay không kịp”. Bên cạnh đó, thời tiết mưa lạnh kéo dài liên tục khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng và bùng phát trên diện rộng.
Theo UBND xã Vĩnh Giang, trên địa bàn có khoảng 50 ha tiêu bị dịch bệnh. Ông Lê Vỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang cho biết: Sau các cơn bão và đặc biệt là đợt rét đậm do không khí lạnh vừa qua, tình trạng tiêu chết ở xã Vĩnh Giang rất lớn. Đặc biệt, tại một số hộ có 100% cây tiêu chết cả vườn nhất là những vườn trồng mới, những vườn đất có mạch nước ngầm cao không thoát được.
“Trong thời gian qua, UBND xã đã chỉ đạo các thôn tuyên truyền cho bà con phải thoát úng nhanh trong những khi mưa lớn để bảo vệ cây tiêu. Sau đợt rét, chính quyền đã chỉ đạo các thôn động viên người dân chăm bón, khôi phục lại vườn tiêu”, ông Vỹ cho hay.
Theo báo cáo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị hiện đã có 300 ha hồ tiêu bị ngập úng gây thối rễ, rụng lá và chết cây; hơn 223 ha bị bệnh chết nhanh, trong đó có 23,5 ha bị nặng và 282 ha tiêu bị bệnh chết chậm… Chủ yếu tập trung tại các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ. Những xã bị nặng như: Vĩnh Giang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thành…
Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã hướng dẫn người dân triển khai các phương án xử lý dịch bệnh đối với cây tiêu. Cơ quan chức trách khuyến cáo bà con trồng tiêu cần khơi thống cống rãnh, thoát nước trong vườn tiêu. Sử dụng các loại thuốc hóa học đặc hiệu để trị bệnh. Tiến hành cắt cành sát mặt đất để gốc tiêu thông thoáng hạn chế lây lan nấm bệnh từ đất lên.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phương - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết: Người nông dân Quảng Trị vẫn sử dụng cách thức trồng tiêu “âm” dưới mặt đất. Chưa chú trọng việc khơi thông các cống rãnh, các hệ thống mương thoát nước ở các vườn tiêu. Do đó, hầu hết các diện tích hồ tiêu khi có mưa lớn và ngập úng xảy ra đều không thoát được nước. Đây chính là nguyên nhân xảy ra dịch bệnh.
“Để tránh sự lây lan dịch bệnh cũng như hạn chế tình trạng ngập úng khiến tiêu chết bà con cần phải thoát nước cho vườn tiêu và hạ thấp mực nước ngầm bằng cách khơi thông cống rãnh. Đối những cây bị chết cần thu dọn ra khỏi vườn phải đốt tiêu hủy tránh lây lan dịch bệnh”, bà Phương nói.