Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, mỗi năm anh Trẻo xuất bán ra thị trường hơn 4 triệu quả trứng vịt và gần 100 tấn cá các loại, thu lãi bình quân 700 triệu đồng mỗi năm.
Cách nuôi vịt độc đáo, hiệu quả
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, anh Lê Văn Trẻo cho biết: "Từ khi huyện Thanh Oai thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung cùng với đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tôi đã thuê lại diện tích ruộng của nhiều hộ dân trong thôn, sau đó đầu tư khu chuồng trại, kè bờ ao để thả cá và nuôi vịt đẻ".
Bắt đầu nuôi vịt đẻ từ năm 2003, nhưng phải đến năm 2016, sau nhiều lần đi tham quan, học hỏi mô hình chăn nuôi vịt đẻ ở các tỉnh, anh Trẻo mới quyết định áp dụng chăn nuôi vịt đẻ theo hướng khép kín.
Anh Trẻo cho hay, trang trại nuôi vịt và cá được xây dựng và vận hành với việc đầu tư công nghệ chăn nuôi vịt khép kín, hệ thống máy sục oxy, máy trộn thức ăn, sử dụng các loại chế phẩm sinh học xử lý chuồng trại, môi trường ao nuôi.
Theo đó, vịt ở trang trại của anh Trẻo được uống nước giếng khoan qua hệ thống bể lọc dẫn vào từng máng nước tự động và tuyệt đối không dùng kháng sinh, nếu vịt chẳng may bị nhiễm bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc sinh học.
Đặc biệt, anh Trẻo đã phối trộn men vi sinh trong khẩu phần thức ăn cho vịt, giúp vịt nâng cao sức đề kháng và chất lượng quả trứng. "Khi vịt được bổ sung men vi sinh sẽ nâng cao sức đề kháng và chất lượng quả trứng. Mình nuôi như hiện tại sẽ chủ động được khâu phòng trống dịch bệnh" - anh Trẻo chia sẻ với.
Khác hẳn nuôi vịt thả dưới nước, nuôi vịt đẻ trứng trên cạn có bể nước để tắm, có khu vực chuồng đẻ riêng và có cả sân chơi. Với quy hoạch này, chuồng trại luôn thoáng mát, sạch bệnh, tỷ lệ đẻ đạt cao.
Từ 500 con vịt ban đầu, đến nay sau 16 năm quy mô chăn nuôi vịt đẻ trứng của gia đình anh Trẻo đã lên tới 6.000 con, trung bình mỗi ngày, gia đình anh xuất ra thị trường 3.000 quả trứng.
Vào thăm khu nuôi vịt trên cạn, chúng tôi nhận thấy bên dưới chuồng nuôi, anh Trẻo thiết kế các rãnh thoát nước, mỗi rãnh rộng khoảng 30cm, bên trên được lót bằng tấm nhựa màu xanh. Khi rửa chuồng, phân vịt theo rãnh thoát nước chảy ra bên ngoài.
Sau khi rửa sạch chuồng trại, chất thải được gom lại, anh Trẻo sẽ sử dụng men vi sinh để xử lý nên bên trong chuồng lúc nào cũng đảm bảo sạch sẽ, hoàn toàn không có mùi hôi thối.
"Các mô hình chuyển đổi trên địa bàn đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, cho giá trị thu nhập trung bình từ 300 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha/năm. Hiệu quả kinh tế từ các mô hình đã giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu và góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương".
Ông Nguyễn Trọng Khiển
Không tiếp xúc với nguồn phân thải, lại được sống trong điều kiện tốt nhất nên đàn vịt đẻ của gia đình anh Trẻo rất khỏe mạnh. Đây cũng là yếu tố giúp vịt đẻ sai, thời gian khai thác trứng dài. Do đó, dù đầu tư chuồng trại hàng trăm triệu đồng, nhưng theo anh Trẻo, hiệu quả và chất lượng mang lại luôn đảm bảo.
"Bình thường mình nuôi vịt đẻ truyền thống chỉ khai thác từ 10 đến 12 tháng, tỷ lệ đẻ trứng chỉ 80%/năm. Nhưng mình nuôi khép kín như hiện nay, tỷ lệ vịt đẻ trứng sẽ cao hơn, đạt 85% trở lên và thời gian khai thác trứng đến 18 tháng" - anh Trẻo chia sẻ.
Anh Trẻo cũng cho biết, thay vì tiêu tốn 160kg thức ăn trên 1.000 con vịt nuôi theo cách thông thường, nuôi khép kín sẽ tiết kiệm được từ 10 - 20kg thức ăn mỗi ngày. Thêm vào đó, đàn vịt lại đẻ tốt hơn.
Đầu tư trang thiết bị hiện đại nuôi cá
Để tăng hiệu quả kinh tế tạo sản phẩm trứng vịt lộn an toàn, anh Trẻo còn đầu tư 3 lò ấp trứng. Mỗi ngày anh Trẻo xuất ra thị trường trên 3.000 quả trứng vịt lộn. "Sau 5 ngày, quả nào phôi kém hoặc không có phôi thì mình phân loại ra. Sau đó, đến ngày thứ 18 mới phân biệt là quả trứng lộn được thì lúc đó mới tiêu thụ ra thị trường" - anh Trẻo cho biết.
Không chỉ thành công từ nuôi vịt đẻ khép kín, anh Trẻo còn đầu tư rất nhiều trang thiết bị hiện đại để nuôi cá. Từ hệ thống máy sục oxy, máy trộn thức ăn, hệ thống quạt nước và sử dụng các loại chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi.
Hiện anh Trẻo chủ yếu thả các loại cá truyền thống, dễ tiêu thụ như cá trắm, chép, trôi… Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, cùng với việc áp dụng kỹ thuật thâm canh tiên tiến, anh Trẻo đã áp dụng nuôi trồng theo quy trình VietGAP, đảm bảo an toàn sinh học nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Với phương pháp nuôi cá hiện đại, mỗi năm, anh Trẻo thu hoạch gần 100 tấn cá các loại. Anh cho hay, từ trứng vịt và cá, mỗi năm anh thu lãi trên 700 triệu đồng.
Ông Nguyễn Trọng Khiển - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, nhờ tích cực chuyển đổi theo đúng quy hoạch, đến nay, Thanh Oai đã xây dựng được vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung hơn 720ha. Trong đó, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đang phát huy hiệu quả như: Nuôi cá trắm, cá chép lai theo công nghệ vi sinh không thay nước tại các xã Thanh Mai, Tân Ước, Liên Châu; nuôi cá chép theo hướng hữu cơ ở xã Hồng Dương; nuôi cá rô phi đồng nguồn gốc Philippines ở xã Thanh Thùy...