dd/mm/yyyy

Hà Nội tạo “sân chơi” bình đẳng cho sản phẩm OCOP

Cuối tuần qua, Ban chỉ đạo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) TP.Hà Nội phối hợp với Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức “Hội thảo kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP TP.Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc”.

175 biên bản ghi nhớ

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh văn phòng Thường trực Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) TP.Hà Nội đánh giá, hội thảo là cơ hội để các chủ thể OCOP kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, đơn vị kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, đơn vị kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online…

Tạo “sân chơi” bình đẳng cho sản phẩm OCOP  - Ảnh 1.

Hai du khách đến từ Ý bị cuốn hút bởi nhiều sản phẩm bắt mắt, thú vị được giới thiệu tại sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc diễn ra cuối tuần qua. Ảnh: P.V

Với dân số trên 10 triệu người, Hà Nội là địa phương tiêu thụ nông sản hàng hóa khổng lồ của khu vực phía Bắc. Do đó, cách nhìn của Hà Nội đối với chủ thể sản phẩm OCOP cũng có sự khác biệt. Theo đó, các chủ thể sản phẩm OCOP sẽ được hưởng lợi nhiều so với các chủ thể không tham gia chương trình. Bên cạnh đó, các sản phẩm được công nhận OCOP phải đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, hay đẩy mạnh chế biến sâu tại địa phương.

Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP của 15 tỉnh miền núi phía Bắc cũng đã tham gia ký kết 175 biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các chủ thể với các đơn vị, tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm.

Theo Ban chỉ đạo Chương trình OCOP Hà Nội, Chương trình OCOP đã tạo ra một sân chơi bình đẳng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng; khai thác, duy trì và phát huy được giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền; tạo ra nguồn đặc sản phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh Văn phòng Điều phối NTM T.Ư (Bộ NNPTNT) cho biết, đây là cơ hội rất lớn để đưa các sản phẩm OCOP đến với người dân Hà Nội, tiếp cận được các hệ thống siêu thị bán lẻ, nhà phân phối.

Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng, không chỉ vấn đề đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm mà phải phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

"Giới thiệu được sản phẩm OCOP đến các thị trường lớn như Hà Nội sẽ là cơ hội rất lớn của các chủ thể OCOP tiếp cận trực tiếp với khách hàng, các kênh phân phối, giúp tiêu thụ sản phẩm OCOP thuận lợi, hiệu quả, người tiêu dùng có điều kiện mua sắm sản phẩm OCOP chất lượng" - ông Tiến chia sẻ.

Tạo "sân chơi" bình đẳng

Lần đầu tiên tham gia chương trình kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP các tỉnh miền núi phía Bắc, ông Lý Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Gia (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, đây là cơ hội rất lớn để các chủ thể sản phẩm OCOP gặp gỡ, trao đổi cũng như kết nối với các hệ thống bán lẻ, siêu thị...

HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Gia được thành lập từ năm 2017, hiện HTX đã có 4 sản phẩm được đánh giá từ 3 đến 4 sao OCOP như: Khâu nhục, gà Tiên Yên, bánh Tày và kẹo Lạc Hồng.

"Đến với sự kiện này, chúng tôi kỳ vọng rất cao vào việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm của HTX tại thị trường Hà Nội. Trong chương trình này, HTX chúng tôi đã ký biên bản hợp tác với 6 đơn vị phân phối" - ông Thắng chia sẻ.

Ông Đỗ Hoàng Thạch - Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp không dễ đến gặp gỡ từng đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP ở các vùng, miền, do vậy sự kiện là dịp để doanh nghiệp gặp gỡ nhiều chủ thể, tìm kiếm cơ hội hợp tác tiêu thụ sản phẩm... Qua đó tạo "sân chơi" rộng mở và bình đẳng cho các sản phẩm OCOP, vừa hợp tác vừa cùng cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, cách quảng bá sản phẩm OCOP của Hà Nội khác các tỉnh thành phố khác ở 3 góc độ. Thứ nhất, Hà Nội đẩy mạnh truyền thông để mọi người biết được nhóm sản phẩm này ở đâu, chủ thể ra sao, minh bạch sản phẩm thế nào, thị trường đang tiêu thụ ra sao để từ đó tạo cơ hội quảng bá sản phẩm. Thứ hai, tổ chức các sự kiện kết nối, giao thương tiêu thụ các sản phẩm OCOP nhằm trao đổi chia sẻ giữa các chủ thể sản xuất với người tiêu dùng và với hệ thống phân phối và các nhà phân phối.

Thứ ba, sản phẩm OCOP là sản phẩm của cộng đồng, của các tỉnh thành, của các chủ thể với nhau, do đó, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến hình ảnh cộng đồng OCOP của Việt Nam. Vì vậy, việc đẩy mạnh phối kết hợp các địa phương để tạo ra các sản phẩm tốt nhất phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô và hướng tới xuất khẩu là việc đang được Hà Nội đẩy mạnh triển khai. 

Minh Ngọc