Người dân buôn bán hàng hoá tại chợ đầu mối Long Biên. Ảnh: Ngọc Thành
Theo ông Tạ Văn Tường-Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, địa bàn hiện có 2 chợ đầu mối nông sản (chợ hạng 1) và có một số chợ có tính chất như chợ đầu mối.
Trong đó, chợ đầu mối phía Nam (Đền Lừ, quận Hoàng Mai) do Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội khai thác. Chợ hiện có khoảng 700 hộ đang kinh doanh theo các ngành hàng gồm 120 hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm; 65 hộ kinh doanh thủy sản; 250 hộ kinh doanh rau, củ, quả, trái cây; 10 hộ kinh doanh hàng khô; 5 hộ kinh doanh thực phẩm chín… Hằng ngày, có khoảng 300-400 tấn hàng được tiêu thụ tại chợ.
Còn chợ đầu mối hạng 1 Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) hiện có khoảng 960 hộ đang kinh doanh, trong đó, có 756 hộ kinh doanh thực phẩm. Hàng ngày có khoảng 380-400 tấn hàng được tiêu thụ tại chợ, trong đó, rau ăn lá 60 tấn; củ, quả 250 đến 270 tấn; thịt tươi sống 50 tấn; thủy hải sản 15 tấn; thực phẩm chín 0,7 tấn…
Ngoài ra, trên địa bàn còn có các chợ có tính chất đầu mối thường xuyên giao dịch nông sản thực phẩm với số lượng lớn như: chợ Long Biên; chợ cá làng Sở Thượng - Yên Sở; chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín)…
Qua việc kiểm tra tại 2 chợ đầu mối và 3 chợ có tính chất đầu mối mới đây, công tác bảo đảm ATTP tại các chợ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các hộ kinh doanh đã có ý thức trang bị vật tư, dụng cụ phục vụ kinh doanh bảo đảm ATTP. Công tác vệ sinh, thu gom rác, quét dọn được thực hiện sau mỗi buổi họp chợ; Ban quản lý các chợ đã có hướng dẫn các hộ kinh doanh thực hiện, cam kết kinh doanh sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng...
Tuy nhiên, ông Tường cũng cho biết, vẫn còn một số hộ kinh doanh thủy sản sơ chế thủy sản tươi sống trên nền chợ, phế phụ phẩm không có dụng cụ thu gom mà thải ra ngay nền chợ, vệ sinh chưa bảo đảm. Việc ghi chép sổ sách theo dõi nguồn gốc sản phẩm mang tính chất đối phó, chưa được các hộ kinh doanh chú trọng.
Để cải thiện điều này, Sở NNPTNT đã giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Thủy Sản Hà Nội duy trì các chốt kiểm dịch tại các chợ, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, kiểm dịch, lấy mẫu giám sát và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm có nguồn gốc động vật ra vào các chợ; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm ATTP nông sản trên địa bàn…
Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc ngành nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh công tác chuyên môn, tư vấn xây dựng và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn nhận diện, lựa chọn các sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm theo chuỗi…