dd/mm/yyyy

Giá lợn thương phẩm không “hạ nhiệt” trước e ngại của người tiêu dùng

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, nhiều người tiêu dùng có tâm lý e ngại việc sử dụng loại thực phẩm này. Tuy nhiên, thị trường thịt lợn tại các chợ Hà Nội vẫn diễn ra bình thường, giá lợn không biến động so với trước kia.
Giá thịt lợn tại các quầy hàng không có sự thay đổi đáng kể. Ảnh PV
Giá thịt lợn tại các quầy hàng không có sự thay đổi đáng kể. Ảnh PV

Những ngày qua, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, nhiều người dân tại thủ đô Hà Nội không khỏi lo lắng.

Anh Nguyễn Văn Đông (45 tuổi, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Trong thời gian qua, chúng tôi có theo dõi thông tin về việc dịch tả lợn Châu Phi. Nhiều địa phương của Hà Nội đã bị xâm nhiễm dịch. Do đó theo tâm lý chung, chúng tôi cũng có phần rụt rè khi sử dụng thực phẩm".

Anh Đông chia sẻ, gia đình anh vẫn sử dụng thịt lợn, tuy nhiên hạn chế hơn nhiều so với trước kia. Các món ăn từ thịt lợn như như tiết canh, nem sống… thì đang tạm dừng hẳn. Đồng thời, khi mua thịt lợn, anh cũng trao đổi với mọi người trong nhà cần kiểm tra rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn.

Ghi nhận của PV Lao Động tại nhiều khu vực chợ trên địa bàn cho thấy hiện nay sức mua thịt lợn khá chậm sau khi có dịch tả lợn Châu Phi. Nếu như trước kia, mỗi ngày, những quầy hàng lớn tại các chợ Quan Hoa, chợ Hà Đông, chợ Dịch Vọng Hậu, chợ Mễ Trì, các tiểu thương có thể bán vài con lợn một ngày thì nay sức mua giảm hẳn.

Nhiều quầy hàng sức bán giảm sút so với trước khi có dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh PV
Nhiều quầy hàng sức bán giảm sút so với trước khi có dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh PV

Chị Nguyễn Thị Nội (tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Quan Hoa) cho biết: “Trước kia, mỗi ngày bán 1 con thì giờ chỉ bán nửa con hoặc một góc con lợn. Ban đầu khi nghe tin dịch tả lợn Châu Phi, người dân cũng có tâm lý e ngại, không mua. Bây giờ, người dân đã mua trở lại nhưng với số lượng giảm hơn so với trước kia nên tôi cũng giảm lượng thịt bán ra”.

Chị Nội khẳng định, thịt lợn bán ở chợ là có nguồn gốc và đã được kiểm tra. Giá bán thịt lợn cũng không biến động nhiều so với trước kia, vẫn giữ ở mức từ 80.000 - 120.000 đồng/kg với các loại thịt khác nhau.

Giá bán thịt lợn vẫn ở mức từ 80.000-120.000 đồng/kg. Ảnh PV
Giá bán thịt lợn vẫn ở mức từ 80.000-120.000 đồng/kg. Ảnh PV

Nhiều chủ quầy bán thịt lợn cũng cho biết, để đảm bảo an toàn, trong những ngày qua khi đi mua thịt lợn, họ phải xuống tận lò kiểm tra, lợn khỏe, đảm bảo an toàn mới mua về bán.

Chị La Thị Hòa – một người thịt lợn tại chợ Nam Trung Yên chia sẻ: “Lâu nay, thông tin dịch tả lợn Châu Phi khiến sức bán thịt lợn giảm hơn nhiều so với trước kia. Lợn nhập về bán, chúng tôi phải đến tận nơi để xem và chọn những con khỏe mạnh, có sự kiểm soát của bên kiểm dịch và thú y, nên đảm bảo là không có chuyện bán thịt lợn bệnh cho người mua. Mặt khác, không ai dám bán thịt lợn bệnh vì sẽ bị mất khách”.

Nói về giá thịt lợn trên thị trường, chị Hòa cho hay giá không giảm, có nơi còn bán giá cao hơn. Điều này là do việc thị trường điều tiết, lợn khan hiếm hơn.

“Ở những vùng có dịch, lợn đã được tiêu hủy. Mặt khác việc kiểm soát dịch cũng khiến cho thịt hợn không xuất hiện tràn lan trên thị trường nên hiếm hơn, do đó mức giá bán vẫn không thay đổi” – chị Hòa nói.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho hay, dịch tả lợn Châu Phi không lây bệnh trên người. Đồng thời, người tiêu dùng không nên quay lưng với thịt lợn. Điều này sẽ khiến tình hình thịt lợn thương phẩm có nguồn gốc bị ảnh hưởng, ngưng trệ. Mặt khác, trong quá trình mua bán cần có sự lựa chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan thú y kiểm dịch. Mọi người cũng nên thực hiện việc ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh, thực phẩm sống…

Vương Trần - Trần Kiều