Trái với thời điểm tháng 12 năm ngoái khi giá heo hơi cao bình quân 45 ngàn đồng/kg thì hiện nay rớt còn 35-37 ngàn đồng. Nguyên nhân chính là do tổng đàn heo tăng trưởng quá “nóng” cùng với thương lái trong nước đang làm “xiếc”.
(ảnh TL)
Mặc dù thương lái đã bắt đầu thu mua heo trở lại để xuất sang Trung Quốc nhưng người nuôi heo thịt vẫn kêu trời vì giá giảm sâu...
Thương lái làm giá
Ngay từ đầu tháng 10 đến nay, giá heo hơi tại các trang trại ở các tỉnh phía Nam bắt đầu giảm dần, so mức giá đỉnh cao 50-52 ngàn đồng/kg đạt vào tháng 4, 5 thì nay mỗi kg heo hơi giảm sâu 10-15 ngàn đồng. Chỉ riêng từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12/2016, giá heo có thời điểm “chạm đáy” chỉ còn 34 ngàn đồng/kg (heo trọng lượng trên 100kg) và 35-37 ngàn đồng/kg (trọng lượng dưới 100kg).
Tại thời điểm đó, một số nhà chăn nuôi lớn cho rằng nguyên nhân chính là do thị trường Trung Quốc hạn chế nhập heo nên giảm nhịp độ mua heo từ Việt Nam sang. Tuy nhiên, từ đầu tháng 12 trở lại đây, mặc dù thị trường Trung Quốc khởi động trở lại, nhưng giá heo trong nước vẫn chưa thể nhúc nhích. Tại sao?
Theo ông Quách Ngọc Sang, chủ trang trại gồm 3.000 con heo thịt ở xã An Điền, huyện Bến Cát (Bình Dương), giá heo hơi hiện nay đang đi ngược với quy luật mọi năm và có hiện tượng bị thương lái trong nước ghìm giá, làm “xiếc”. Bởi cùng thời điểm này năm ngoái, heo hơi thật sự “sốt” giá vì đang bước vào giai đoạn các doanh nghiệp nhập thịt tươi về để chế biến, cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán và bên Trung Quốc cũng “ăn” hàng mạnh. “Khoảng 20 ngày trước, trại tôi xuất 80 con heo với giá 35,5 ngàn đồng/kg, lỗ 800 ngàn đồng/con heo. Gần đây, do heo tăng đàn tại địa phương quá nhanh nên người nuôi hoàn toàn lệ thuộc vào thương lái.
Nhiều trại heo nằm sâu trong các khu vực trồng cao su, không chỉ bán thấp hơn mấy giá mà còn khó khăn khi kêu họ đến mua”, ông Sang nói.
Phụ thuộc và bị thao túng
Trong 9 tháng qua, giá mua heo hơi có nhiều biến động trái chiều. Ngay đầu năm, Trung Quốc tăng nhập khẩu đẩy giá heo hơi tăng mạnh, kéo theo giá thịt heo nội địa cũng tăng.
(ảnh TL)
Đến giữa tháng 5, Trung Quốc đột ngột ngừng nhập heo hơi qua đường tiểu ngạch, đồng thời tăng cường công tác kiểm soát, kiểm dịch đối với mặt hàng thực phẩm vào nội địa, khiến giá heo hơi tại Việt Nam thường xuyên theo chiều đi xuống.
Cùng chiều với giá heo hơi, giá thu mua gia cầm cũng đang có xu hướng giảm so với thời điểm cuối tháng 8.
Tại Đồng Nai, giá thu mua gà ta đã giảm 3.000 - 5.000 đồng/kg, hiện đạt 65.000 đồng/kg; gà công nghiệp lông màu giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg xuống mức 33.000 - 35.000 đồng/kg và gà lông trắng giảm 1.000 - 4.000 đồng/kg, xuống mức 20.000 đồng/kg./.
Tuy nhiên, như đã nói trên, mặc dù thương lái bắt đầu ra quân thu mua heo xuất sang Trung Quốc, nhưng hôm qua (18/12) giá heo hơi vẫn tiếp tục “lăn” ở mức thấp là 35-37 ngàn đồng/kg. Rõ ràng, khác với quy luật thường thấy là giá heo sẽ khôi phục lại ngay sau khi thương lái tổ chức thu gom hàng xuất đi Trung Quốc, nhưng giá heo lại vẫn nằm ở mức thấp như thời điểm Trung Quốc ngưng nhập hàng.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, hơn hai tuần qua, bình quân mỗi ngày đều có từ 10-15 xe chở heo xuất đi Trung Quốc, đặc biệt sau ngày 10/12 thì số lượng xe chở heo ra phía Bắc tăng nhiều chứ không còn vắng lặng như thời gian trước.
Nghịch lý
Chúng tôi về tỉnh Đồng Nai, nơi có tổng đàn heo lên đến 1,8 triệu con và đây cũng là địa phương thời gian qua đàn heo tăng “nóng” lên tới cả trăm ngàn con so với cùng kỳ năm 2015. Không riêng Đồng Nai, việc tăng trưởng “nóng” về chăn nuôi còn diễn ra ở nhiều tỉnh, từ đầu năm 2016 tổng đàn heo cả nước có 27 triệu con nhưng đến nay đã tăng lên 28,3 triệu con, tức tăng trưởng “nóng” lên đến hơn 1 triệu con.
(ảnh TL)
Đây cũng là một nguyên nhân góp phần không nhỏ khiến giá heo hơi giảm sâu vào những tháng cao điểm tiêu thụ thịt heo của ngành chế biến thực phẩm vào tháng cuối năm. Nếu không có các biện pháp cảnh báo khắc phục hữu hiệu, ngành chăn nuôi heo trong nước sắp tới được dự báo sẽ càng khó khăn hơn.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, PCT Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, những tháng cuối năm heo hơi thường bán được giá tốt, vì đây là giai đoạn các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tiêu thụ thịt tươi nhiều. Nhưng giá mặt hàng này lại đang có những đợt biến động khó hiểu vào cuối năm nay do có bàn tay thao túng của thương lái.
Hiện tại nhu cầu thu mua heo xuất đi Trung Quốc tăng trở lại, nhưng họ vẫn “cố” ghìm giá thu mua thấp hơn so với giá thành sản xuất. Thế nên nghịch lý là, mặc dù thị trường tiêu thụ thịt heo trong nước vẫn đang diễn biến bình thường, giá thịt heo bán lẻ đến tay người tiêu dùng hầu như không mấy biến động, nhưng giá heo hơi ở các trại lại liên tục giảm sâu.
Người chăn nuôi đang phải gồng mình chịu lỗ bán heo dưới giá thành sản xuất, trong khi đó người tiêu dùng vẫn phải trả giá cao mua thịt heo, chỉ có các khâu trung gian như lò giết mổ, thương lái cấp 1, 2, 3 là hưởng lợi nhuận “dày”.